Nuôi dê sạch, không lo bí đầu ra

Bình Phước là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi dê sinh sản cũng như thương phẩm. Ngoài lợi kép từ việc nuôi - trồng kết hợp thì dê là động vật dễ chăm sóc, không cần vốn lớn, nguồn thức ăn dồi dào, dễ tìm. Hiệu quả từ nuôi dê còn lớn hơn nếu các hộ xây dựng được thương hiệu và liên kết hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm.

HIỆU QUẢ KÉP

Có diện tích đất vườn khá rộng nên ông Bùi Văn Nam ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh trồng các loại cây lâu năm như tiêu, sầu riêng để ổn định cuộc sống. Tận dụng lá keo kết hợp trồng thêm cỏ voi dưới tán cây sầu riêng đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, ông đầu tư nuôi dê nhằm tăng nguồn thu trên cùng đơn vị diện tích. “Nuôi dê là giải pháp lấy ngắn nuôi dài, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, đồng thời phân dê bón cho cây trồng cũng rất tốt. Vì thế, đây là mô hình mang lại hiệu quả kép cho nông dân” - ông Nam tin tưởng.

Chuồng dê của hộ ông Bùi Văn Nam, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh luôn có trên 100 con và tạo nguồn thu nhập kép cho gia đình

Chuồng dê của hộ ông Bùi Văn Nam, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh luôn có trên 100 con và tạo nguồn thu nhập kép cho gia đình

Với gần 20 năm kinh nghiệm nên đàn dê của gia đình ông Nam luôn khỏe mạnh, nhân đàn nhanh, trong chuồng luôn có trên 100 con các loại, từ dê thương phẩm đến dê giống. Hiệu quả trong chăn nuôi giúp gia đình ông Nam tự tin tư vấn, hỗ trợ, nhân rộng cho người thân và nhiều hộ dân khác trên địa bàn. Hiện xã Lộc Hòa có hơn 100 hộ nuôi dê thương phẩm với số lượng đàn dê phát triển nhanh, mạnh.

Để nghề chăn nuôi dê ngày càng phát triển, cuối năm 2021, các hộ dân trên địa bàn đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê sinh sản xã Lộc Hòa với 7 thành viên, quy mô từ 50-200 con/hộ, do ông Bùi Văn Nam làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc. Theo ông Nam, ngoài thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu vào, đầu ra ổn định thì mong muốn của HTX là được hỗ trợ, nhân rộng thêm cho nhiều hộ khó khăn, hộ nghèo khác cùng phát triển nghề chăn nuôi này, vì đây là mô hình “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả nhất trên địa bàn nhiều năm qua. Điều băn khoăn của HTX là giá dê thương phẩm vẫn còn bấp bênh, đầu ra luôn bị thương lái chèn ép.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa Đậu Xuân Ngọc cho biết, nếu chủ động được nguồn thức ăn thì mô hình nuôi dê trên địa bàn phát huy rất hiệu quả, dê sinh sản mạnh, nhân đàn nhanh. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có giống dê boer đầu đỏ ổn định giá, còn dê bách thảo, dê cỏ cái đều bị thương lái ép giá. “Thương lái đi mua dê yêu cầu này kia, chẳng qua người ta nói để ép giá nông dân. Nhìn chung giá bấp bênh lắm, rất mong các cấp, ngành tìm đầu ra ổn định cho bà con nông dân” - ông Ngọc kiến nghị.

LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Cũng như xã Lộc Hòa, hiện nay nghề nuôi dê phát triển nhanh, mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, được xem là mô hình giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm, hàng ngàn hộ nông dân. Để nghề nuôi dê phát triển bền vững, nhiều hộ dân, tổ hợp tác, HTX đã chủ động xây dựng thương hiệu, đồng thời tạo chuỗi liên kết tìm đầu ra ổn định.

Thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi dê thương phẩm. Cách nay khoảng 10 năm, nơi đây có 10 hộ nuôi dê với quy mô từ 10-50 con/hộ. Nhằm hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tạo thương hiệu cho sản phẩm thịt dê, từ năm 2013 các hộ dân đã tập hợp thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê núi Ninh Bình. Bằng kinh nghiệm lâu năm cùng với việc cho ăn thức ăn từ tự nhiên đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực phẩm sạch và góp phần giải bài toán đầu ra dê thương phẩm, tạo thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi.

Sản phẩm dê chất lượng nên chúng tôi cam kết bán đúng giá thị trường, còn nếu bị thương lái ép giá thì tuyệt đối không bán. Có thương hiệu từ lâu nên hiện giá dê hơi thương phẩm bán ra 135 ngàn đồng/kg, giá dê giống 150 ngàn đồng/kg nhưng cung không đủ cầu.

Anh HOÀNG SƠN ĐÔNG, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê núi Ninh Bình

Anh Hoàng Sơn Đông, Phó giám đốc HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Phú Nghĩa, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê núi Ninh Bình cho biết: Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, các thành viên cam kết không cho dê ăn cám công nghiệp mà hoàn toàn từ cỏ, lá cây tự nhiên. Giống dê cũng được tổ hợp tác quan tâm với giống bố là dê boer, mẹ là bách thảo sẽ tạo ra giống dê con đẹp, sức khỏe tốt và nhanh lớn.

Nhu cầu về sử dụng sản phẩm sạch từ chăn nuôi, trồng trọt đang là xu hướng tất yếu. Anh Lê Đình Lợi, thành viên HTX chăn nuôi dê Tân Thành, huyện Bù Đốp cho biết, ngoài nuôi thì HTX còn có tổ chuyên thu mua dê thương phẩm, dê giống về giết mổ, nhân đàn, vỗ béo cung ứng cho thị trường. Do nhu cầu lớn về thực phẩm sạch nên ngoài bao tiêu toàn bộ sản phẩm dê của huyện Bù Đốp thì những vùng lân cận, HTX đều thu mua nếu chứng minh được nguồn gốc, sản phẩm dê phải sạch, chất lượng, tức là thức ăn phần lớn từ tự nhiên.

“Gây dựng được thương hiệu nên các sản phẩm dê của chúng tôi luôn được các nhà hàng lớn trong tỉnh và tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh tin dùng. Với thị trường rộng lớn, mỗi ngày chúng tôi cung ứng cho các nhà hàng và người dân từ 300-500kg thịt” - anh Lợi tự tin.

Cách làm của Tổ hợp tác chăn nuôi dê núi Ninh Bình hay HTX chăn nuôi dê Tân Thành chính là một gợi ý để nghề chăn nuôi nói chung và nghề nuôi dê nói riêng phát triển ổn định, bền vững. Đó là tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm sạch, chủ động tiếp thị, quảng bá sản phẩm sạch của chính mình. Nếu được thị trường, người tiêu thụ tin dùng thì đầu ra không còn là vấn đề phải lo ngại.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135597/nuoi-de-sach-khong-lo-bi-dau-ra