Nuôi dưỡng hệ sinh thái fintech Việt Nam
Trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam, giá các thương vụ đầu tư đã công bố đạt 410 triệu USD trên tổng số 800 triệu USD được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2019.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm qua, số lượng công ty fintech đã tăng gần 4 lần. Hiện cả nước có hơn công ty 150 fintech, trong khi 3 năm trước, con số này mới dừng lại ở 40. Trước đó, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và được dự kiến sẽ đạt đến 7,8 tỷ USD vào năm 2020.
Đi cùng với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế xuống dưới 10% của Chính phủ, xu thế phát triển của ngành này là tất yếu. Các lĩnh vực của hệ sinh thái fintech của Việt Nam bao gồm: ví điện tử, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng, công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng,…
Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực fintech, Việt Nam đã chủ động tiếp cận lĩnh vực này thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực fintech vào tháng 3/2017 với mục tiêu nuôi dưỡng và hoàn thiện hệ sinh thái lành mạnh cho sự hình thành và phát triển của các công ty fintech tại Việt Nam.
Cùng với đó, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ sẽ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo fintech NHNN cho hay, trong năm 2019, NHNN cũng như Ban Chỉ đạo fintech NHNN đã triển khai và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số chính sách quản lý nhà nước có liên quan tới lĩnh vực này.
Theo đó, NHNN đã hoàn thiện Đề án về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech (Regulatory Sandbox) trình Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế quản lý thử nghiệm nhằm tạo khuôn khổ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp fintech và ngân hàng được tham gia thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới với các biện pháp giám sát và kiểm soát rủi ro phù hợp từ các cơ quan quản lý. Dự kiến trong năm 2020, cơ chế thử nghiệm này sẽ sẵn sàng để chào đón các doanh nghiệp fintech và ngân hàng tham gia.
"Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sandbox chỉ là một trong những cách tiếp cận quản lý đối với các doanh nghiệp fintech hoặc ngân hàng có các giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo muốn được tham gia thử nghiệm. Việc hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp lý vẫn được tiến hành song song", ông Nghiêm Thanh Sơn lưu ý.
Như vậy, khuôn khổ pháp lý sẽ tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện một cách rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của các công ty fintech tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo fintech NHNN, quy định mới cho phép việc ứng dụng công nghệ hiện đại để định danh khách hàng từ xa, không cần gặp mặt trực tiếp khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch ngân hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ… để tiến tới thực hiện xác thực và định danh khách hàng điện tử (e-KYC).
Liên quan nội dung này, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an để kết nối cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ xác thực khách hàng điện tử một cách chính xác, an toàn, giảm tình trạng gian lận đối với các dịch vụ ngân hàng.
Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) phục vụ việc chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và fintech cũng đang được NHNN nghiên cứu xây dựng nhằm gia tăng tiện ích cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Năm 2019 vừa qua, NHNN cũng đã triển khai thành công dự án thử nghiệm dịch vụ kết nối hệ thống giữa một số ngân hàng và công ty fintech trên nền tảng Open API để làm cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý cho vấn đề này.
Không dừng lại ở đó, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nuôi dưỡng hệ sinh thái fintech bền vững ở Việt Nam, NHNN cũng đã hoàn thành nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của fintech, bao gồm: công nghệ Blockchain/sổ cái phân tán (DLT); cho vay ngang hàng (P2P Lending); giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API); Công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC)….
Liên quan đến tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp fintech của Việt Nam, ông Nghiêm Thanh Sơn trích dẫn báo cáo mới nhất "Fintech in Asean: from Start-up to Scale-up" do Ngân hàng UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố cho thấy, Singapore là quốc gia có tỷ lệ vốn đầu tư vào fintech lớn nhất khu vực ASEAN (51%) và lượng vốn đầu tư vào thị trường fintech tại Việt Nam chiếm 36%. Giá trị tuyệt đối của các thương vụ đã công bố đạt 410 triệu USD trên tổng số 800 triệu USD được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2019.
Con số này theo ông Sơn đã cho thấy mặc dù lĩnh vực fintech tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, song lĩnh vực này đã nhận được sự quan tâm lớn do sự năng động của các doanh nghiệp fintech và sự hỗ trợ tích cực cho đổi mới sáng tạo của Chính phủ, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Mặc dù các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn khi rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sau các thương vụ đình đám như WeWork, Uber và Lyft… nhưng hy vọng, với định hướng rất rõ ràng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và những chính sách cụ thể thúc đẩy và nuôi dưỡng hệ sinh thái fintech lành mạnh của NHNN và các cơ quan liên quan, trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ xuất hiện những doanh nghiệp fintech Kỳ lân (Unicorns) có thể cạnh tranh mạnh mẽ và vươn tầm hoạt động ra nhiều thị trường ở nước ngoài", Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN kết luận.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nuoi-duong-he-sinh-thai-fintech-viet-nam-1580637064888.htm