Nuôi dưỡng mạch nguồn dân tộc

'Chúng ta cứ nghĩ rằng ở nước ngoài cuộc sống của các bạn nhỏ người Việt rất đầy đủ, nhưng thực ra các em đang rất thiệt thòi vì thiếu đi một phần rất quan trọng là tâm hồn Việt và bản sắc của dân tộc mình', Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng nói.

Vun đắp tình yêu tiếng Việt

- Duyên cớ nào Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam đặt chủ đề của chương trình Phố sách tháng 10 vừa qua là Ngôn ngữ và nguồn cội?

- Cách đây gần 1 tháng, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhận được bức thư của cô giáo Hương Nguyễn, ở Berlin. Cô kể rằng Chính phủ Đức đã đồng ý dạy tiếng Việt ở trường học như một ngoại ngữ. Điều này rất tốt đối với các em thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba, vì hầu như các em chỉ sử dụng tiếng Việt ở nhà. Giờ đây, khi được giảng dạy ở trường, các em có nhiều cơ hội để nói tiếng Việt, kho từ vựng phong phú và lưu loát hơn, đồng thời hiểu bản sắc văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ.

Dù được tạo điều kiện như vậy, song các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tài liệu, vì hầu như không có thư viện tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bởi vậy, chúng tôi nảy ra ý muốn xây dựng tủ sách tiếng Việt cho các em nhỏ gốc Việt ở Berlin, và truyền thông để mỗi người hiểu được vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong cuộc sống, cũng như vấn đề nguồn cội, vai trò gìn giữ bản sắc dân tộc.

- Cụ thể, việc xây dựng tủ sách tiếng Việt này như thế nào, thưa bà?

- Ý định của cô giáo chỉ là muốn có một tủ sách cho các em nhỏ, nhưng nếu một mình Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam tặng tủ sách tiếng Việt cho các em thì chỉ là một mảng sách, trong khi đó có hàng trăm nhà xuất bản trên cả nước và rất nhiều công ty sách. Vì thế, sẽ tốt hơn nếu tập hợp họ lại cho các em một tủ sách phong phú đề tài, phong phú vẻ đẹp của tiếng Việt. Chúng tôi lựa chọn tổ chức hoạt động kêu gọi quyên góp từ nhiều nhà làm sách, cả học sinh, người dân, để lan tỏa điều tuyệt vời này, biến nó trở thành hoạt động cộng đồng.

- Bà hình dung ra sao về tủ sách mà các em nhỏ người gốc Việt ở Berlin sẽ được đọc?

- Tôi hình dung tủ sách gồm những cuốn sách tiếng Việt đơn giản như sách viết cho thiếu nhi, viết về thiên nhiên, con người và văn hóa Việt Nam. Bắt đầu bằng những cuốn được viết ở mức đơn giản nhất. Khi các em đã vững được tiếng Việt, chúng tôi sẽ huy động tiếp những cuốn sách, tác phẩm văn học có ngôn ngữ văn chương đẹp. Và xa hơn, sau khi tiếng Việt của các em tốt rồi, chúng tôi sẽ giới thiệu các tác phẩm dày dặn về lịch sử, văn hóa, văn chương Việt, để liên tục đồng hành, vun đắp tiếng Việt cho các em ngày càng tốt hơn,

Câu đối gửi tặng Thư viện tiếng Việt dành cho thanh thiếu niên gốc Việt tại Berlin
Nguồn: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

Ngôn ngữ và nguồn cội

- Như bà nói, chúng ta kỳ vọng rất nhiều nhưng chắc hẳn để xây dựng được tủ sách như vậy sẽ gặp không ít khó khăn?

- Chúng tôi là điểm cầu quyên tặng sách, người tặng sẽ đưa sách đến trụ sở Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Cô giáo Hương Nguyễn ở Đức sẽ huy động kinh phí để vận chuyển sách từ Việt Nam sang Đức. Khó khăn ở chỗ lượng sách càng lớn thì chi phí vận chuyển càng cao. Đồng thời, chúng tôi cũng phải đối mặt với khó khăn nữa là sẽ phải có những không gian ở nước ngoài để xây dựng tủ sách mang màu sắc Việt Nam.

Trong sự kiện Phố sách tháng 10: ngôn ngữ và nguồn cội, chúng tôi được tặng một câu đối rất hay: Túc hành vạn lý tri thiên hạ/Thư hóa nhất tâm vị cố hương nghĩa là dù có đi muôn nơi, ở đâu chăng nữa thì cũng luôn nghĩ đến việc đọc sách, tìm hiểu văn hóa để luôn nhớ về quê hương đất nước mình. Trước mắt, chúng tôi có thể tặng các bức thư pháp về văn chương, văn hóa, thể hiện vẻ đẹp ngôn ngữ Việt Nam. Nhưng về lâu dài, chúng tôi cũng mong muốn các thư viện đó có không gian thể hiện văn hóa Việt. Điều này rất cần cộng đồng ở trong nước, nước ngoài chung tay với chúng tôi.

- Thay vì vận chuyển khối lượng sách lớn, hay tạo không gian sách mang màu sắc Việt Nam nhưng gặp khó khăn như bà nói ở trên, tại sao Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam không nghĩ đến phương án xây dựng các tủ sách tiếng Việt điện tử?

- Thực ra chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án có một tủ sách ebook để phục vụ mong muốn học tiếng Việt của người Việt ở nước ngoài, không riêng các em nhỏ. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn hơn là chúng ta có những cuốn sách vật chất cụ thể, những cuốn sách mà người tặng ghi lên đó những lời đề tặng, nhắn nhủ, gửi gắm sự yêu thương, trân trọng và kỳ vọng của mình trên từng cuốn sách đưa tới bạn đọc người Việt xa xứ. Tôi cho rằng, những điều như vậy sẽ có tính kết nối dân tộc, gắn kết tình đồng bào. Trong thế giới hiện đại, có lẽ, chúng ta cũng nên sống chậm lại một chút, trao cho nhau vẻ đẹp của tri thức thông qua tiếng Việt.

- Như bà chia sẻ kỳ vọng không chỉ xây dựng tủ sách cho các em nhỏ ở Berlin mà còn lan tỏa rộng hơn, tạo ra những tủ sách tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới?

- Ngay trong chương trình Phố sách tháng 10, chúng tôi đã nhận được lời đề nghị tặng sách từ nhiều đơn vị, các em học sinh và người dân. Tôi tin rằng chương trình này hoàn toàn có thể được triển khai định kỳ, phối hợp với Việt kiều ở khắp các nước để tủ sách này được mở rộng trên thế giới. Chúng ta cứ nghĩ rằng sống ở nước ngoài sẽ rất đầy đủ, nhưng thực ra các em cũng rất thiệt thòi vì các em thiếu đi một phần rất quan trọng là tâm hồn mang bản sắc của dân tộc mình.

Về lâu về dài, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách mang tầm chiến lược để bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ở nước ngoài, cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ở đây, chúng tôi rất mong những việc tốt, việc tử tế giữ gìn hồn cốt văn hóa không chỉ ở phía vĩ mô mà còn xuất phát từ chính tấm lòng của mỗi người vì đồng bào ở xa Tổ quốc. Mỗi người dân chung tay xây dựng những dự án cộng đồng dù nhỏ ở mỗi nước, từ đó liên kết sẽ thành các dự án lớn, đó chính là cùng nhau để nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa, cội nguồn dân tộc.

- Xin cảm ơn chị!

Thái Minh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nuoi-duong-mach-nguon-dan-toc-i306693/