Nuôi dưỡng niềm yêu thích khoa học cho học sinh
Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên triển khai đại trà dạy học tích hợp liên môn (STEM) cấp Tiểu học, nhưng hoạt động này đã mang lại tác động tích cực với học sinh Nam Định, giúp các em khám phá khả năng của bản thân, hào hứng sáng tạo trong học tập.
Phòng trưng bày sản phẩm STEM của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Nam Định kín chỗ với khoảng 350 sản phẩm đủ các hình thức STEM tái chế; STEM công nghệ phục vụ học tập... Các sản phẩm được các em sáng tạo từ vỏ chai, bìa các tông, túi nilong, giấy vụn thành những mô hình nhà ở, máy bay với những chi tiết tỉ mỉ, khéo léo.
Thầy giáo Vũ Hoàng Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết, từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, nhà trường đã triển khai việc dạy học tích hợp liên môn ở các khối từ lớp 1 đến lớp 4 với tổng số 89 tiết dạy. Trường đã lựa chọn, xây dựng chủ đề bài học STEM, đảm bảo mỗi khối lớp có ít nhất 4 chủ đề trong năm. Nhiều hoạt động của các Câu lạc bộ STEM, các sân chơi về giáo dục STEM được tổ chức, giúp học sinh được trải nghiệm, chia sẻ, phát huy tối đa năng lực sở trường của bản thân. Do đó, dù là năm đầu tổ chức dạy học theo phương pháp này nhưng những tiết học STEM như “thỏi nam châm” cuốn hút cả giáo viên và học sinh.
Cô giáo Trần Thị Phượng, Trường Tiểu học Chu Văn An chia sẻ, trước đây, những bài học về toán và tự nhiên các em phải nghe giảng một cách thụ động, rời rạc. Với bài học STEM, các em được làm việc nhóm, chủ động đề xuất ý tưởng và tự chuẩn bị làm sản phẩm mà mình yêu thích. Do đó, để chuẩn bị cho tiết học STEM, giáo viên xây dựng các chủ đề với thời lượng bài giảng phù hợp với tâm lý lứa tuổi, làm sao để khai thác triệt để nhất sự tò mò, thích thú của các em, giúp các em tiếp thu bài học và vận dụng bài học vào cuộc sống hiệu quả nhất.
Em Nguyễn Vũ Bảo Anh, lớp 1A4, Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết: Con vừa được chơi, vừa được học những kiến thức hay. Về nhà, con nhớ lời cô dạy, vận dụng kiến thức mình có được để làm những đồ dùng học tập mà con thích.
Những bài học STEM đã có tác động tích cực đến học sinh Tiểu học. Các em được chủ động tiếp cận bài học, tự tìm tòi, khám phá, thực hành và chế tạo sản phẩm. Đây được xem là tiền đề cho quá trình khám phá và sáng tạo khoa học của các em. Là năm đầu triển khai đại trà, giáo dục STEM bậc Tiểu học còn khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
Cô giáo Phạm Thị Hạnh, Trường Tiểu học Lộc Vượng, thành phố Nam Định cho biết, để chuẩn bị một chủ đề STEM, giáo viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, sách, báo, mạng.. đồng thời tự làm những sản phẩm ban đầu để có kinh nghiệm, hiểu biết, hướng dẫn học sinh thực hiện. Tuy nhiên, tài liệu về STEM chưa nhiều, trang thiết bị phục vụ việc dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ khiến giáo viên còn nhiều khó khăn khi thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý, giáo dục STEM đã được nhiều trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh áp dụng, triển khai từ những năm học trước. Năm nay, ngành Giáo dục tỉnh chính thức triển khai đại trà mô hình giáo dục này ở tất cả các trường Tiểu học.
Đầu năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và ban hành các văn bản liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Ngành tổ chức biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các phòng giáo dục; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện triển khai giáo dục STEM của các phòng giáo dục và các trường.
Ngành hướng dẫn phòng giáo dục các huyện, thành phố tổ chức sinh hoạt chuyên môn, ngày hội STEM cấp cụm, miền hoặc cấp huyện; tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học trên địa bàn; kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Tại các nhà trường, ngành khuyến khích việc tổ chức cho học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng chuẩn hóa phòng Khoa học và Công nghệ theo quy định, đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM. Các trường chủ động phối hợp, liên kết với các trường bạn, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp... để thực hiện hiệu quả giáo dục STEM tại bậc giáo dục Tiểu học trong những năm tiếp theo.