Nuôi hươu sao lấy nhung giúp người Cơ Tu thoát nghèo
Nuôi hươu sao lấy nhung đang phát triển ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Mô hình này bước đầu giúp đồng bào Cơ Tu thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống. Từ đó, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là một trong những giải pháp giúp người dân xây dựng mô hình hiệu quả, cải thiện thu nhập. Gần 2 năm nay, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đang phát triển mạnh ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Năm ngoái, chị La Thị Sâm cùng nhóm hộ 5 gia đình ở thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ 20 con hươu theo mô hình nhóm hộ phân công nhau chăm sóc. Qua 6 tháng, hươu đã cho thu hoạch lấy nhung. Chị La Thị Sâm cho hay, trung bình mỗi năm, hươu sẽ cho lấy nhung hai lần, giá bán mỗi ký là 10 triệu đồng. Nuôi hươu sao dễ chăm sóc hơn so với con vật khác. Mặt khác lại tận dụng nguồn thức ăn sẵn tại địa phương như lá cây trong rừng, chuối xanh. Đến ngày hươu cho ra nhung thì bổ sung thêm các loại tinh bột như ngô, khoai để nhung phát triển đạt chất lượng cao. Từ hộ nghèo, khó khăn, bây giờ cuộc sống gia đình chị La Thị Sâm đã ổn định.
“Nhờ chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, cấp con giống và vật tư, tạo điều kiện để cuộc sống của bà con trong nhóm nuôi hươu được cải thiện hơn so với trước. Trước đây, gia đình làm rẫy, làm thuê nên khó khăn lắm. Chúng tôi mới nuôi hươu thấy được và đạt hiệu quả hơn so với làm mô hình kinh tế khác. Mình chỉ việc nuôi còn sản phẩm đầu ra có nhà cung cấp giống bao tiêu sản phẩm nên yên tâm. Nếu chăm sóc tốt thì cho ra nhung tốt”, chị Sâm nói.

Nói về chăn nuôi hươu sao tại địa phương, ông Pơ Loong AÊ, ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang chia sẻ, đây là mô hình mới. Mặc dù hươu sao là động vật hoang dã nhưng đã được thuần hóa, tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thới tiết, vùng núi; nông dân có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn, giảm chi phí chăn nuôi.
Ông Pơ Loong AÊ cho biết thêm: nuôi hươu nhàn mà ít rủi ro dịch bệnh, kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi heo, nuôi gà và bò. Về thu nhập khoảng 2 đến 3 tháng là hươu đã có nhung rồi, bà con rất mừng và phấn khởi vì giá trị kinh tế khá cao. Tổ chúng tôi có 5 hộ nuôi 20 con, trong đó có 15 con hươu đực đã có nhung hết, tính ra 100 triệu một đợt.
Tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hiện có 200 hộ dân là đồng bào Cơ Tu tham gia nuôi hươu sao lấy nhung, tập trung ở các xã Tà Pơ, Cà Dy, Tà Bhing và thị trấn Thạnh Mỹ. Theo Ông A Rất Bhen, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nuôi hươu sao lấy nhung cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các vật nuôi truyền thống. Từ các nguồn vốn lồng ghép, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số….mỗi năm, huyện Nam Giang đã đã bố trí hơn 100 tỷ đồng, phân bổ về cho các địa phương giúp bà con phát triển kinh tế, chăn nuôi trồng trọt....

Ông A Rất Bhen, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thí điểm mô hình nuôi hươu sao, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. Nhiều hộ tham gia nuôi hươu từ hộ nghèo và cận nghèo nay đã thoát nghèo và thu nhập ổn định. Phòng Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tham mưu với UBND huyện đưa mô hình nuôi hươu phát triển, gắn kết với các đơn vị, liên kết trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra của hộ dân”.
Mấy năm nay, nhiều hộ dân là đồng bào Cơ Tu ở vùng cao tỉnh Quảng Nam năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ giúp đồng bào thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa về sinh kế, cây con giống để phát triển kinh tế. Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi heo đen, bò sinh sản, cùng một số mô hình phát triển kinh tế mới.…nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho hay: “Đối với các huyện miền núi như Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn bà con sử dụng nguồn vốn vay từ các ngân hàng cũng như qua kênh của Hội Nông dân đầu tư phát triển một số mô hình rất hiệu quả. Cụ thể là mô hình nuôi heo đen bản địa tại địa phương, nuôi gà thả vườn, nuôi hươu... Đây là những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế”.