Thúc đẩy liên kết chuỗi lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết chuỗi sản xuất được xem là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định và phát triển thị trường, tăng giá trị sản và thu nhập cho người nông dân trồng lúa.

Hội nghị sản xuất lúa gạo tại Cà Mau chiều 18/4.

Hội nghị sản xuất lúa gạo tại Cà Mau chiều 18/4.

Chiều 18/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau hội nghị triển khai sản xuất lúa gạo năm 2025, trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với giá trị tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo ký hợp tác liên kết chuỗi sản xuất tại hội nghị, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo ký hợp tác liên kết chuỗi sản xuất tại hội nghị, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Hội nghị là dịp để các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, góp phần xây dựng kế hoạch, giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai sản xuất lúa gạo trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Nông dân Cà Mau đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân Cà Mau đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 3,8 triệu ha/năm, cung cấp khoảng 90% tổng lượng lúa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2024, năng suất lúa bình quân toàn vùng là 6,31 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 24 triệu tấn, chiếm 56% tổng sản lượng lúa cả nước.

Phó Chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Lê Thanh Tùng trình bày tại hội nghị.

Phó Chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Lê Thanh Tùng trình bày tại hội nghị.

Trình bày tại hội nghị, Phó Chủ tịch, kiêm tổng thư ký VIETRISA Lê Thanh Tùng, cho biết, thời gian qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt được một số kết quả khả quan. Đặc biệt, so với canh tác thông thường, lượng giống giảm 50%, thuốc bảo vệ thực vật giảm 30%, giảm đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5%, giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ…, góp phần giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 5 triệu/ha/vụ.

Tại Cà Mau, lúa gạo được xác định là 1 trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh, với diện tích gieo trồng khoảng 113.000 ha/năm, tổng sản lượng hơn 500.000 tấn/năm, tổng giá trị khoảng 3.700 tỷ đồng.

Cà Mau cũng tạo dựng được một số vùng trồng lúa chất lượng cao (VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và quốc tế: USDA, EU, JAS…), đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe của thị trường.

Góp phần vào tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có ngành hàng lúa gạo qua việc tiếp tục giữ ổn định diện tích sản xuất chuyên lúa chất lượng cao tập trung quy mô tại huyện Trần Văn Thời, U Minh.

Đi cùng với đó là khai thác và quản lý tốt các nhãn hiệu được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sinh thái Cà Mau”, “Lúa sạch Thới Bình”, gắn với sản phẩm OCOP địa phương; phối hợp với VIETRISA kết nối các hợp tác xã với doanh nghiệp bao tiêu nguyên liệu lúa ở các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để xây dựng thương hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” của Hiệp Hội tiến tới gắn với thương hiệu gạo Quốc gia…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội nghị.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi giữa các bên trong quá trình tổ chức sản xuất, coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định và phát triển thị trường, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập cho người nông dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết.

Đồng tình với giải pháp trên, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cần tăng cường kết nối hiệu quả giữa các tác nhân trong chuỗi (nông dân, dịch vụ, công ty xuất khẩu, thị trường, tài chính…), gắn với tiêu chuẩn lúa Việt xanh, phát thải thấp.

Song hành đó, cần xây dựng các mô hình kinh doanh dịch vụ và sản xuất lúa gạo theo tiêu chí 1 triệu ha; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đặc biệt là trong truy xuất nguồn gốc; nâng cao chất lượng hợp tác xã để làm “đầu mối” giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp có đầu ra ổn định, tránh tình trạng manh mún theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” qua “cò” hoặc thương lái nhỏ lẻ…

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-lien-ket-chuoi-lua-gao-vung-dong-bang-song-cuu-long-post873562.html