Nuôi lợn an toàn sinh học - Giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững (kỳ 2)
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và trong bối cảnh chưa có vắc-xin phòng dịch thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại các loại dịch bệnh ở vật nuôi, trong đó có dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành hiện nay, đồng thời đây cũng là giải pháp phát triển bền vững đối với ngành chăn nuôi của tỉnh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
(Tiếp theo và hết)
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và trong bối cảnh chưa có vắc-xin phòng dịch thìchăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại các loại dịch bệnh ở vật nuôi, trong đó có dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành hiện nay, đồng thời đây cũng là giải pháp phát triển bền vững đối với ngành chăn nuôi của tỉnh.
II - Nuôi lợn an toàn sinh học - Xu hướng tất yếu
Tính đến giữa tháng 9-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến các địa phương trong tỉnh phải tiêu hủy 254.979 con lợn tại 36.034 hộ chăn nuôi; tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 13.893 tấn. Không chỉ thiệt hại cho ngân sách tỉnh, các hộ chăn nuôi lao đao vì kinh tế suy kiệt, dịch bệnh còn khiến đàn lợn của tỉnh suy giảm trên 33% tổng đàn so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Đó còn chưa kể đến việc phải huy động số lượng lớn nhân lực và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh ở các địa phương. Theo nhận định của ngành chức năng, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh ta đã từng bước được kiểm soát, tuy nhiên tổng đàn lợn và mật độ nuôi đã giảm mạnh; hiện số lợn phải tiêu hủy đã giảm xuống còn khoảng 10 tấn mỗi ngày, một số địa phương đã công bố hết dịch. Tuy nhiên theo cơ quan chuyên môn thì mầm bệnh vẫn tồn tại và nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao nếu không kiểm soát tốt hoạt động nuôi, vận chuyển, kinh doanh lợn và sản phẩm thịt lợn. Các nước trên thế giới thậm chí cấm mang vào trong nước các loại bánh mà có thành phần (nhân bánh) từ thịt lợn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thịt lợn trên thị trường rất lớn, giá lợn đang cao, rất hấp dẫn người nuôi, nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi đang tăng. Vì thế phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp căn cơ, phù hợp với những diễn biến bất thường, khó lường của khí hậu, thời tiết và dịch bệnh hiện nay... Là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học” với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia ngành chăn nuôi; một số doanh nghiệp chuyên cung cấp thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc thú y; đại diện các địa phương, hợp tác xã chăn nuôi và hộ nuôi lợn quy mô. Điều này cho thấy quyết tâm của UBND tỉnh và ngành chức năng, các huyện, thành phố trong việc tìm giải pháp phát triển an toàn ngành nuôi lợn. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, nhất thiết chúng ta phải có giải pháp căn cơ, hiệu quả để từng bước phục hồi và phát triển ngành chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương thông tin thêm: Kinh nghiệm từ một số trang trại ở các địa phương trên cả nước cho thấy, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với việc sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh có hiệu quả rất tốt trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh trên lợn, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, đây là giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay. Chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó có sử dụng các chế phẩm vi sinh chắc chắn là xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng thời gian tới. Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học trước hết sẽ giúp đối tượng nuôi tăng cường khả năng phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bởi vì khi vật nuôi đã sử dụng các chế phẩm vi sinh thì sức đề kháng tốt, không ốm vặt, tăng trưởng tốt, không phải dùng các loại kháng sinh, hóa chất. Chế phẩm vi sinh có nhiều loại, trong đó có loại không phải là mới và xa lạ, thực tế nó là men, bã rượu, bia mà bà con đã sử dụng cho lợn ăn từ lâu. Trước đây chúng ta chỉ đánh giá vai trò của các chất này ở khía cạnh dinh dưỡng như một loại men tiêu hóa nhưng trong môi trường dịch dã hiện nay thì vai trò của các loại vi sinh này rất quan trọng. Ngay cả những bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh cơ quan chuyên môn vẫn khuyến cáo chăn nuôi an toàn sinh học sẽ tốt hơn, an toàn hơn bởi vì nó giúp đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương thông qua hệ thống Khuyến nông, các nhà cung ứng, doanh nghiệp để phổ cập thật nhanh những quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đến người chăn nuôi; xây dựng các mô hình chuẩn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm vi sinh ở mỗi địa phương, vùng, miền để người dân học tập, áp dụng làm theo. Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi cần có ý thức quản lý khu chăn nuôi và các quy trình, quy phạm để không cho động vật, người lạ, các nguồn có thể mang mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi, đó chính là an toàn sinh học. Người chăn nuôi sử dụng các chế phẩm vi sinh để nâng cao sức đề kháng, sức khỏe của con vật nuôi để tăng khả năng miễn dịch với các loại bệnh, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh do vi-rút chưa điều chỉnh được bằng kháng sinh...
Hiện nay, nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi đang tăng từng ngày bởi thói quen sử dụng thịt lợn trong thực đơn hàng ngày của người dân rất khó thay đổi; trong khi thời gian trống chuồng đã kéo dài; nhiều địa phương công bố hết dịch hoặc đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Theo đồng chí Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Sau 30 ngày không có dịch phát sinh thì sẽ được tái đàn, tuy nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi việc tái đàn phải thận trọng đảm bảo an toàn. Các hộ chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng đối với 4 bệnh của lợn là dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng và tụ huyết trùng; quan trọng nhất là việc phòng bệnh mà trước tiên các hộ chăn nuôi phải chủ động thực hiện, không trông chờ vào cơ quan chuyên môn. Từ thực tế phòng, chống dịch thời gian qua cho thấy, một mặt phải tập trung nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, các nhà quản lý và từng hộ chăn nuôi về bệnh dịch, nguy cơ và cách phòng, chống; mặt khác tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn thích ứng với điều kiện hiện nay với yêu cầu các hộ nuôi phải là những nhà đầu tư thông minh, chăn nuôi an toàn thực phẩm, an toàn sinh học để có được chất lượng thực phẩm tốt hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan nhấn mạnh: “Không ai giỏi bằng chính những hộ chăn nuôi hàng ngày gắn bó với đàn lợn nuôi của mình, phải tự nghiên cứu, so sánh, đánh giá xem tại sao lợn ở hộ khác an toàn để rút ra kinh nghiệm, tự điều chỉnh, tự kiểm soát thì mới phát triển chăn nuôi an toàn được; không thể tiếp tục nuôi theo phong trào mà phải chăn nuôi có trách nhiệm với cộng đồng”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phát huy vai trò cơ quan quản lý chuyên môn tham mưu cho tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng sản xuất, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi về chuyên môn kỹ thuật, sớm xây dựng, hoàn thiện quy trình hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo khoa học, dễ áp dụng để ban hành cho người chăn nuôi áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để xây dựng các mô hình thực tế để đánh giá, rút kinh nghiệp và nhân rộng.
Nhu cầu và cơ hội phát triển của ngành chăn nuôi lợn là rất lớn. Đây lại là 1 trong 4 “con nuôi chiến lược” trong tái cơ cấu Nông nghiệp của tỉnh. Do vậy để phát triển nuôi lợn bền vững vì sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp, việc thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học là một yêu cầu, đòi hỏi tất yếu. Nhiệm vụ này cần sự vào cuộc phối hợp của các “nhà” quản lý, kinh doanh, nhà nông trong chuỗi sản xuất và đặc biệt là sự quyết tâm đổi mới tư duy làm ăn của người nông dân trong môi trường và điều kiện sản xuất hiện nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại