Nuôi ốc hương, hướng làm ăn mới của người dân ven biển
Nuôi trồng thủy sản là nghề truyền thống của người dân ven biển, nhưng từ trước đến nay, các ngư dân trong tỉnh chủ yếu nuôi các đối tượng như tôm và các loài cá nước ngọt. Những năm trở lại đây, một số hộ dân đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ chuyển giao kĩ thuật của các ngành hữu quan đã đầu tư nuôi các đối tượng thủy sản nước mặn có giá trị kinh tế cao như cua, cá đối, đặc biệt năm 2019 có mô hình nuôi ốc hương thành công, mở ra một hướng sản xuất mới trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Công ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc hương ở một số nơi đã quyết định đầu tư nuôi ốc hương tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh với 5 ao rộng 7.000 m2 , trong đó có 4 ao nuôi ốc hương thương phẩm mực nước cao 1,5m và 1 ao xử lí nước thải. Vốn đầu tư ban đầu về hệ thống cơ sở vật chất khoảng 4 tỉ đồng. Nước nuôi ốc anh Công lấy từ biển và được xử lí diệt khuẩn trước khi cấp vào ao nuôi. Anh bố trí các hệ thống ao nuôi một cách khoa học, tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố về môi trường nước ao nuôi, con giống và quy trình chăm sóc, quản lí ao nuôi. Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả việc thay nước hằng ngày, thực hiện tốt các giải pháp sinh học nhằm ổn định môi trường nước và vệ sinh ao liên tục. Thường xuyên vệ sinh đáy ao, sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước và luôn đảm bảo về độ mặn của nước. Trong suốt quá trình nuôi, cấp nước và tháo ra liên tục 1 lần/ ngày và cấp bằng 50% lượng nước trong ao để cho nước trong ao luôn sạch và đảm bảo các chỉ số về môi trường. Nước thải qua ao chứa được xử lí đạt các thông số quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ao nuôi có cống cấp nước, tiêu nước riêng biệt và thuận lợi cho việc thay đổi nước.
Con giống được anh Công mua từ tỉnh Ninh Thuận đảm bảo chất lượng tốt. Anh Công đã thả nuôi ốc với mật độ 600 con/m2 và tuân thủ đúng kĩ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh tốt nên tỉ lệ ốc sống đến khi thu hoạch đạt 80%, ốc sinh trưởng tốt, khi thu hoạch đạt 16 g/con. Sau 7 tháng nuôi, anh Công thu hoạch tổng sản lượng 4 ao nuôi được 16 tấn, đạt doanh thu 3,2 tỉ đồng. Trừ các khoản chi phí anh Công thu lãi ròng gần 1 tỉ đồng. Sản phẩm ốc hương được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc thông qua các thương lái ở Đà Nẵng. Anh Công cho biết: “Nuôi ốc hương đạt hiệu quả tương đối cao. Ở địa bàn ven biển sẵn cá tươi là nguồn thức ăn dồi dào nên không chỉ thuận lợi để nuôi ốc mà còn cho sản phẩm ốc đạt chất lượng cao vì được nuôi với nguồn thức ăn tự nhiên. Trên cơ sở kết quả nuôi thử nghiệm vụ đầu này, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi ốc hương”.
Ngoài đạt lợi nhuận kinh tế cao, mô hình nuôi ốc hương của anh Công còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Từ mô hình này cho thấy, tư duy và cách làm ăn của ngư dân đã có nhiều thay đổi, luôn năng động tìm tòi, học hỏi những cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi ốc hương thí điểm này ở Vĩnh Linh đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kĩ thuật để tạo ra sản phẩm khác biệt gắn với liên kết đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nuôi ốc hương có thể tiến hành quanh năm nên cũng là nghề tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Mô hình này có thể nhân rộng để những ngư dân có điều kiện tham gia sản xuất, tạo ra sự phong phú đối tượng nuôi thủy sản nước mặn có giá trị kinh tế cao, hình thành nghề sản xuất mới trên cơ sở tập quán sản xuất nuôi trồng thủy sản đã có từ lâu đời của người dân địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.
Hiện nay vùng biển bãi ngang của tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nên việc nuôi ốc hương thành công mở ra hướng sản xuất mới cho ngư dân vùng này. Hơn nữa, vùng ven biển của tỉnh có nguồn cá đánh bắt từ biển khá dồi dào là điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn phong phú cho việc nuôi ốc hương.
Tuy nhiên, nuôi ốc hương đòi hỏi sự kĩ càng về các điều kiện chăm sóc, quản lí, chế độ cho ăn và theo dõi các yếu tố về môi trường, thời gian thu mẫu định kì kiểm tra tốc độ sinh trưởng, tỉ lệ sống hằng tuần. Môi trường ao nuôi trong suốt quá trình nuôi được điều chỉnh phù hợp với sinh trưởng của ốc. Vì vậy, khi nhân ra diện rộng cần phải có sự tính toán kĩ về sự tác động môi trường và trình độ kĩ thuật của người dân.
Kết quả nuôi thử nghiệm ốc hương ở thôn Vịnh Mốc, Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh đã được Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, khảo sát và sẽ tiến hành hỗ trợ nhằm xây dựng chuẩn hơn giải pháp kĩ thuật như: Thiết kế hệ thống ao hồ, quy trình nuôi, xử lí môi trường, cơ sở vật chất cần thiết…. để có thể nhân ra diện rộng nhằm khai thác tốt thế mạnh về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144566