Nuôi ong lấy mật - nghề tiềm năng của nông dân huyện biên giới Hương Sơn
Từ một vài hộ nhỏ lẻ, đến nay, nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút sự tham gia của rất nhiều hộ dân ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trên địa bàn huyện hiện có gần 4.600 hộ nuôi ong với gần 21.500 đàn, tập trung nhiều ở các xã: Quang Diệm, Sơn Phú, Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lâm... Mùa thu hoạch mật năm nay, toàn huyện ước thu về khoảng 200 tấn mật ong. Đây là tín hiệu vui về một vụ mùa thắng lợi, mang lại nhiều thu nhập cho các hộ dân trong vùng, qua đó, từng bước nâng cao đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trên địa bàn huyện miền núi biên giới này.

Nghề nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi hiệu quả tại huyện Hương Sơn. Ảnh: Minh Anh
Thoát nghèo nhờ nuôi ong
Huyện Hương Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 109.000ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp 84.994ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 16.500ha. Trên địa bàn có nhiều giống hoa cỏ tự nhiên và các loại cây ăn quả có chất lượng cao như: Cam bù, quýt, bưởi... Hiện nay, toàn huyện có trên 2.500ha trồng cam, trong đó, có 104 tổ hợp tác sản xuất cam bù, cam chanh theo hướng VietGAP. Đây được xem là những lợi thế để nghề nuôi ong lấy mật tại địa phương ngày càng phát triển.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2020, huyện Hương Sơn đã ban hành chính sách hỗ trợ 600 triệu đồng cho 4 xã xây dựng mô hình nuôi ong đạt chuẩn VietGAP, gắn với sản phẩm OCOP. Theo đó, người dân các xã Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 và Quang Diệm được hỗ trợ 800 đàn ong giống, mỗi xã 200 đàn ong, trị giá 200 triệu đồng (người dân đối ứng 50%). Đặc biệt, nghề nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi hiệu quả tại địa phương, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Hương Sơn.
Tiêu biểu như vợ chồng ông Trần Văn Bình, ở xã Quang Diệm là một trong những hộ nghèo, được chính quyền hỗ trợ nuôi ong từ lâu cho biết, trước đây, do tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi được huyện, xã hỗ trợ 3 đàn ong giống, gia đình ông đã có thêm thu nhập. Cuộc sống không còn vất vả như trước, từ bán mật ong, mâm cơm của gia đình ông đã có thêm miếng thịt, con cá. Hiện, vợ chồng ông Bình đang tiếp tục phát triển thêm đàn ong để nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo. “Nuôi ong không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ nuôi, ong tự tìm kiếm thức ăn tự nhiên nên không mất chi phí gì. Bước đầu, mỗi tháng, 3 đàn ong cho sản lượng 6 chai mật, tôi bán được 1,5 triệu đồng. Thấy nuôi ong cũng dễ, lại cho thu nhập khá cao, vợ chồng tôi đã bàn bạc, mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bà con họ hàng để nhân lên hơn chục đàn ong. Từ nuôi đàn ong lấy mật, mỗi tháng mang về cho gia đình tôi trên dưới 10 triệu đồng...” - ông Bình phấn khởi bộc bạch.
Cũng thuộc diện hộ cận nghèo, bà Hồ Thị Lan được hỗ trợ 2 đàn ong, giờ cũng đã nhân lên thành 7 đàn. Bà Lan cho hay: “Không chỉ được hỗ trợ đàn ong giống mà gia đình tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn tận tình hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và phát triển đàn ong. Nhờ đó, đàn ong của gia đình tôi phát triển tốt, cho sản lượng mật ổn định. Bên cạnh đó, do đàn ong ở đây hút mật hoa tự nhiên nên mật ong có chất lượng thơm, ngon, bổ dưỡng, được khách hàng ưa chuộng, có đến đâu bán hết đến đó. Hiện, gia đình tôi cũng đang tiếp tục phát triển thêm đàn ong để nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo”.
Nhận thấy thu nhập từ nuôi ong lấy mật mang hiệu quả thiết thực, hầu hết những hộ nghèo, cận nghèo của xã đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhằm nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đầu tư ít, lợi nhuận cao
Là huyện miền núi biên giới, Hương Sơn có diện tích đồi núi rộng lớn với bạt ngàn các loại hoa cỏ tự nhiên cho phấn hoa chất lượng nên thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển. Bên cạnh đó, nghề nuôi ong lấy mật không quá vất vả, vốn đầu tư ít, mà lại có thu nhập ổn định, thời gian nuôi đến khi thu hoạch ngắn nên người dân thu hồi vốn nhanh... Vì thế, bà con nhân dân ở huyện Hương Sơn đã tập trung phát triển đàn ong, áp dụng tốt các kỹ thuật nuôi và lấy mật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, từ đó, mang lại nguồn thu nhập khá, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại nguồn thu nhập khá, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Anh
Nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc, nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận. Người nuôi ong không chỉ như người mẹ chăm sóc con nhỏ, mà còn cần phải như một nhà dự báo thời tiết để lựa chọn thời điểm chia đàn, nhân đàn phù hợp. Chính vì vậy, theo người nuôi ong ở Hương Sơn, điều quan trọng nhất trong nuôi ong là phải nắm vững kỹ thuật, tập tính con ong để chăm sóc, quản lý, nhất là việc chia tách mỗi khi đàn quá đông. Nếu ong được chăm sóc tốt, đảm bảo chất lượng mật khai thác thì mỗi đàn ong sẽ cho thu hoạch khoảng 12-14 lít mật/mùa. Hiện nay, giá bán mật ong dao động từ 250 - 500 nghìn đồng/lít (tùy vào chất lượng mật). Cũng theo tính toán của người nuôi ong Hương Sơn, bình quân suất đầu tư một đàn ong 3 cầu hết khoảng 800 ngàn đồng. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, lợi nhuận từ mật và bán ong giống đã đạt khoảng 3-3,2 triệu đồng/đàn.
Để đẩy mạnh phong trào nuôi ong và giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chính quyền và Hội Nông dân các xã đã vận động các hộ nuôi ong thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật như hợp tác xã hay tổ hợp tác. Tổ hội nghề nghiệp ra đời sẽ tạo cơ hội cho bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới; từ đó, thay đổi thói quen nuôi ong truyền thống, từng bước nâng cao chất lượng mật. Mặt khác, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển, đưa mật ong trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã mật ong Cường Nga cho biết: “Ban đầu, chỉ có một số hộ dân nuôi một vài đàn lấy mật phục vụ gia đình, song hiện nay, nhờ biết cách nhân đàn, đàn ong đã phát triển thêm và cung ứng sản phẩm mật ra thị trường. Và để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, chúng tôi đã hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống cho người dân”.
Được biết, hiện, Hợp tác xã mật ong Cường Nga có 18 thành viên với gần 1.700 đàn ong. Năm 2019, sản phẩm mật ong của hợp tác xã đã được công nhận OCOP 3 sao, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ khắp cả nước, mang lại nguồn lợi kinh tế khá cao cho bà con. Sản phẩm của chúng tôi là mật ong nguyên chất, có hương vị ngọt thơm của các loài hoa rừng, được sản xuất, chế biến theo quy trình khép kín đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm nay, thời tiết đầu xuân khá thuận lợi, ong tiết mật nhiều. Vì đang đầu mùa nên mật có giá khá ổn định, dao động từ 290 - 300 nghìn đồng/lít. Đây là tín hiệu vui về một vụ mùa thắng lợi, khẳng định thương hiệu và chất lượng của mật ong huyện biên giới Hương Sơn.