Nuôi thỏ ở vùng sâu Sơn Điền

Sơn Điền, xã vùng xa của huyện Di Linh, nơi hầu hết bà con sống bằng cây cà phê, cây lúa nên cuộc sống còn khó khăn. Một gia đình nông dân đã mạnh dạn làm chuồng, nuôi một vật nuôi còn khá xa lạ với người Sơn Điền: thỏ Newzealand.

Anh K’Nếu kiểm tra chuồng thỏ

Anh K’Nếu kiểm tra chuồng thỏ

Thăm nhà anh K’Nếu, thôn Bờ Nơm, xã Sơn Điền, huyện Di Linh đúng lúc anh chuẩn bị cho bầy thỏ ăn. Nhìn bầy thỏ với màu lông trắng muốt, anh K’Nếu giới thiệu, bầy thỏ nhà anh chủ yếu giống Newzealand và Newzealand lai, đặc điểm nổi bật là có màu lông trắng muốt và đôi mắt hồng. Hiện anh đang có gần 300 thỏ, với 7 thỏ đực, 30 thỏ cái sinh sản và số còn lại là thỏ thương phẩm và thỏ con. Anh cho biết, chuồng thỏ được gầy nuôi từ năm 2018, bắt đầu từ cặp thỏ anh mua về nuôi chơi vì thấy màu lông đẹp: “Tôi mua cặp thỏ về nuôi chơi, ai dè 2 tháng sau đẻ được 7 con thỏ con. Tôi cũng để nuôi thử thấy dễ chăm, sống hết cả 7 con. Vậy là tôi gầy từ từ, mua thỏ đực giống về và hiện giờ chuồng thỏ có mấy trăm con”.

Cơ duyên của anh K’Nếu bắt đầu từ hình dáng đẹp của bầy thỏ. Nhưng để quyết định chọn nuôi còn liên quan tới nhiều kỹ thuật chăm sóc cũng như chi phí đầu tư cho thỏ. Khi quyết định nuôi thỏ quy mô, anh sửa chuồng heo cũ làm chuồng thỏ đơn giản với các lồng bằng gỗ, căng lưới sắt nhỏ, bên dưới trải trấu, cỏ khô để hứng chất thải. Anh K’Nếu cho biết, thỏ khá dễ chăm. Chúng ăn chủ yếu các loại lá, củ rừng nên khá tiện cho nông dân vùng Sơn Điền. Mỗi chiều, anh K’Nếu tranh thủ chặt ít lá chuối rừng, lá vông, lá khoai… bỏ vào chuồng, thỏ ăn được hầu hết các loại lá. Thỏ ăn chủ yếu vào ban đêm, ban ngày chúng chơi và ngủ. Chính vì hầu hết thức ăn của thỏ là lá rừng nên rất thích hợp với nông hộ như nhà anh K’Nếu.

Thỏ Newzealand là giống sinh sản rất nhanh. Con cái chỉ 5-6 tháng là trưởng thành, có thể đẻ tới 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 5-7 con. Với tốc độ đẻ sai như thế, mỗi năm anh K’Nếu có thêm mấy trăm thỏ con. Nuôi 4 tháng là trưởng thành, trọng lượng thỏ đạt 2,6 kg/con, có thể xuất bán thịt. Anh K’Nếu nhận xét, thỏ chủ yếu bị hai bệnh là ghẻ kẽ tai, kẽ ngón và tụ huyết trùng. Để phòng bệnh thì thỏ non được cho uống vắc xin tụ huyết trùng, thỏ 40-45 ngày tuổi tiêm phòng bệnh ghẻ là bầy thỏ khỏe mạnh, dễ nuôi. Thỏ mẹ thời điểm có bầu và sinh sản có thể cho ăn thêm cám vào buổi sáng. Anh K’Nếu chia sẻ: “Nuôi thỏ cần chú ý thay thỏ đực thường xuyên để tránh trùng huyết. Sau 1 năm, tôi loại hết thỏ đực cũ, kiếm thỏ đực từ các trại giống xa về phối giống. Giống càng xa, thỏ con càng khỏe mạnh, dễ nuôi”.

Hiện anh K’Nếu đang cung cấp chủ yếu thỏ thịt và thỏ giống cho bà con trong vùng. Thỏ thịt được bán đồng giá 200 ngàn đồng/con, thỏ cái giống chuẩn bị sinh sản là 400 ngàn đồng/con. Sơn Điền xa trung tâm huyện tới 50 km nhưng anh K’Nếu bắt đầu có đơn hàng mua thỏ từ ngoài thị trấn Di Linh vì nhiều người thích thịt thỏ được nuôi bằng lá rừng. Thu nhập từ thỏ tuy chưa nhiều nhưng cũng mang lại cho nhà anh thêm một khoản đáng kể, đồng thời chi phí đầu tư ít, không chiếm nhiều thời gian. Anh K’Biển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Điền nhận xét, hộ anh K’Nếu là nông hộ trẻ, mạnh dạn thử nghiệm vật nuôi mới và đã thấy hiệu quả tốt. Bà con xung quanh thấy anh K’Nếu nuôi thỏ phát triển tốt nên cũng mua giống, nuôi gia đình với quy mô chuồng nhỏ, cải thiện điều kiện sinh hoạt trong nhà, là tín hiệu tốt cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Sơn Điền.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/nuoi-tho-o-vung-sau-son-dien-3035340/