Nuôi trồng nhuyễn thể: Đừng để mất 'cả chì lẫn chài' vì ô nhiễm

Ngành nuôi nhuyễn thể như ngao, hàu, tu hài… tuy tận dụng được tiềm năng thế mạnh để mang lại thu nhập cho người dân, HTX nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ cho môi trường. Để tìm lời giải cho điều này, bên cạnh ý thức, cần áp dụng ngay những biện pháp nuôi trồng bền vững và sự đầu tư hợp lý của con người.

Nhuyễn thể hai mảnh vỏ là một trong những loại thủy hải sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo Bộ NN&PTNT, hiện diện tích nuôi nhuyễn thể cả nước là khoảng 41.200 ha, sản lượng đạt 300.000 tấn/năm.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể của cả nước sẽ đạt trên 24.550 ha, sản lượng đạt trên 393.000 tấn. Dự báo đến năm 2030 tổng sản lượng xuất khẩu nhuyễn thể đạt trên 74.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 201 triệu USD.

Nghề nuôi trồng và chế biến nhuyễn thể đem lại giá trị kinh tế khoảng 80 triệu USD mỗi năm, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân nuôi hàu, ngao, tu hài… theo hướng tự phát, thực hiện nuôi bằng phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ nhưng không có định hướng xử lý tốt nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, tình trạng ô nhiễm rác thải trên biển bắt nguồn từ đất liền, còn lại có nguồn gốc từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản như các phao xốp, lưới, lồng bè bị phá vỡ trôi dạt trên biển… Cụ thể, Việt Nam mỗi năm thải ra môi trường từ 0,28-0,73 triệu tấn rác, tương đương 6% lượng rác thải nhựa thế giới. Trong tổng số lượng rác thải nhựa thì có đến 47% số lượng là các phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, lốp cao su...

Nuôi hàu bằng các miếng xốp làm gia tăng rác thải cho môi trường biển.

Nuôi hàu bằng các miếng xốp làm gia tăng rác thải cho môi trường biển.

Điểm lưu ý là lượng rác thải phát sinh từ hoạt động khai thác và nuôi trồng nhuyễn thể thường khó thu gom nên có tỷ lệ thất thoát ra biển cao, dẫn đến các tác động nghiêm trọng đến môi trường, nhất là hệ sinh thái biển.

Tiêu biểu như tại huyện vân Đồn (Quảng Ninh) là địa phương nuôi hàu lớn trên cả nước, với diện tích nuôi trồng khoảng 4.000 ha. Tuy nhiên, nhiều năm trước, không ít người dân thực hiện nuôi hàu bằng can nhựa, xốp. Mục đích của việc dùng can nhựa, phao xốp, cao su là để làm phao nổi giăng dây treo giá thể cho hàu bám vào sinh sống. Chưa kể trong quá trình thu hoạch, sơ chế vỏ, hàu chết được ngư dân vứt thả trực tiếp xuống biển.

Ông Đặng Trung Hội, Giám đốc HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh (huyện Vân Đồn), cho biết tình trạng người dân nuôi hàu bằng xốp, cao su vẫn không hiếm. Trung bình mỗi dây hàu giống dài khoảng 200m đều được làm bằng chất liệu nhựa. Một dây như vậy lại có thể treo được 600 - 700 dây nuôi hàu khác và kết nối trực tiếp với phao xốp, cao su. Mục đích của việc này là chi phí đầu tư thấp, giá rẻ, độ nổi trên mặt nước tốt, dễ tìm kiếm trên thị trường.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách nuôi trồng này là các phao chỉ có thể chịu đựng được trong môi trường tự nhiên khoảng 2-3 năm. Đặc biệt khi mưa nắng, bão lớn, các phao này rất dễ bị đứt, vỡ, trôi dạt trên mặt biển nên rất khó thu gom.

Không chỉ sử dụng những vật dụng gây ô nhiễm môi trường, nhiều nơi còn nuôi nhuyễn thể với mật độ dày, lạm dụng thức ăn công nghiệp… làm phát sinh dịch bệnh gây ô nhiễm nguồn nước hoặc khiến nhuyễn thể không bảo đảm chất lượng khi xuất khẩu.

Cụ thể là việc lô hàu ở Quảng Ninh xuất khẩu sang thị trường Đài Loan từng gặp khó do nhiễm Norovirus nên đã bị trả về 100%. Hay việc vùng chuyên canh nuôi ngao ở xã ven biển Thuận Thới (Bình Đại, Bến Tre) những năm gần đây liên tục gặp tình trạng ngao chết hàng loạt gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và tạo áp lực cho môi trường tự nhiên. Theo các chuyên gia, khi áp lực môi trường ngày càng tăng thì người dân, thành viên HTX có nguy cơ "mất cả chì lẫn chài" là điều dễ nhận thấy.

Những hướng đi tích cực

Để tránh tình trạng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhiều mô hình nuôi nhuyễn thể đã ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi theo lối hiện đại để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tiêu biểu như HTX Phất Cờ (Quảng Ninh) đã chuyển từ nuôi hàu bằng xốp sang sử dụng phao nhựa HPDE đạt chuẩn để nuôi hàu. Nếu như các loại xốp đang được sử dụng có nguồn gốc không rõ tuổi thọ không cao thì các loại phao nổi đạt tiêu chuẩn lại chịu được độ va đập cao, chống được bão cấp 11 – 12, chống được tia UV và chịu được độ bền của thời tiết lên đến 40-50 năm.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Đảo Phất Cờ, cho biết hàu là một trong những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Khi sử dụng phao nổi HDPE để nuôi hàu, các thành viên không những gia tăng được sản lượng mà còn hạn chế rác thải ra môi trường biển tự nhiên.

Hay tại HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành (Bà Rịa Vũng Tàu), trước đây thường nuôi hàu bằng các tấm fibro xi măng. Nhưng các vật liệu này dễ hỏng, dễ tan trong nước nên không bền vững và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt có thời gian, các thành viên cũng chuyển sang sử dụng lốp xe phế thải để nuôi hàu. Cách này tuy bền hơn do khó bị phân hủy trong môi trường nước nhưng khi bị tác động môi trường, hỏng hóc, người dân lại vứt thẳng xuống bãi nuôi hoặc vứt thành đống ven sông.

Phao nhựa đạt chuẩn có độ bền lên đến 40-50 năm giúp hạn chế rác thải ra môi trường.

Phao nhựa đạt chuẩn có độ bền lên đến 40-50 năm giúp hạn chế rác thải ra môi trường.

Với định hướng phát triển bền vững của địa phương, 2 năm gần đây, HTX này đã đã chuyển sang sử dụng phao nhựa HDPE kết hợp làm bè bằng tre rồi sử dụng dây cước để kết nối các vỏ hàu đã thu hoạch làm nơi cho hàu sinh trưởng, phát triển. Theo Ban giám đốc HTX, những giá thể này dễ làm và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Không chỉ dùng ở việc chuyển sang sử dụng vật liệu đạt chuẩn để nuôi trồng, HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh còn lắp đặt dây chuyền nghiền vỏ hàu thành tinh bột, phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón theo phương pháp hữu cơ.

Ông Đặng Trung Hậu, Giám đốc HTX hàu sữa Quảng Ninh, cho biết trước đây HTX phải mất chi phí thu gom, vận chuyển, tiêu hủy vỏ hàu, tuy nhiên không thể khắc phục hết tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ khi đem vỏ hàu nghiền thành tinh bột, các thành viên vừa có thêm thu nhập, vừa bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, phát triển nuôi trồng nhuyễn thể đi đôi với bảo vệ môi trường là xu hướng mà các quốc gia đang hướng đến trong phát triển kinh tế bền vững.

Việc một số HTX tiên phong thay thế phao xốp bằng loại phao đạt tiêu chuẩn và chú trọng tái chế vỏ hàu đang là giải pháp giảm thiểu rác thải từ nuôi trồng nhuyễn thể nói riêng và thủy sản nói chung.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nuoi-trong-nhuyen-the-dung-de-mat-ca-chi-lan-chai-vi-o-nhiem-1084635.html