Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, người dân Phú Yên không ngừng đầu tư công nghệ, chuyển đổi lồng nuôi sang vật liệu thân thiện với môi trường, có độ bền cao và khả năng chống chịu sóng gió.

Người dân ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE để nuôi thủy sản. Ảnh: ANH NGỌC

Người dân ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE để nuôi thủy sản. Ảnh: ANH NGỌC

Đầu tư chưa tương xứng

Phú Yên có bờ biển dài gần 190km với diện tích đầm, vịnh khoảng 18.910ha và hơn 2.000ha bãi triều, cửa sông…, là khu vực tiềm năng, thế mạnh để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). NTTS ở Phú Yên đã tạo việc làm cho hơn 16.500 lao động, ổn định sinh kế và mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư ven biển. Hằng năm, sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh đạt hơn 11.000 tấn, là nguồn cung lớn cho tiêu dùng nội địa và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, với giá trị sản xuất khoảng 1.540 tỉ đồng/năm. Những kết quả đạt được trong NTTS đã đóng góp chung cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống cho cộng đồng cư dân ven biển.

Theo UBND TX Sông Cầu, hiện trên địa bàn thị xã có hơn 4.000 hộ dân với khoảng 10.000 lao động đang tham gia NTTS, trong đó chủ yếu nuôi tôm hùm lồng bè. Tuy nhiên, thực trạng NTTS hiện nay thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều vùng nuôi. Ông Đỗ Thanh Phước ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) cho hay: Môi trường một số vùng NTTS trên địa bàn đang bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính là mật độ lồng bè nuôi quá dày, công tác quản lý chưa tốt, trong khi đó chính quyền địa phương chưa giao đất mặt nước để người dân NTTS ổn định, lâu dài. Lâu nay, người nuôi tôm hùm chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm ăn (chưa có thức ăn công nghiệp để thay thế), dẫn đến môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, khi gặp thời tiết bất lợi thì xảy ra tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề.

"Hiện nay đa số lồng bè NTTS trên địa bàn chủ yếu làm bằng vật liệu truyền thống như gỗ, tre, phuy nhựa… chưa thích ứng với sóng to gió lớn khi xảy ra thiên tai. Người nuôi thủy sản cũng rất muốn chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE, nuôi theo hướng công nghiệp, nhưng giá thành đầu tư quá cao", ông Phước cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay diện tích NTTS lồng bè tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh khoảng 4.880ha, tăng gần 3 lần so với quy hoạch (quy hoạch 1.650ha). Thực trạng này đã dẫn đến các vấn đề như tác động tiêu cực đến môi trường; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu; thị trường tiêu thụ bấp bênh… Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sắp xếp lại các vùng NTTS ở đầm, vịnh. Tuy nhiên đến nay, số lồng bè tại các vùng nuôi không những giảm mà tiếp tục tăng, gây ra hiện tượng quá tải tại các vùng nuôi.

Chuyển đổi lồng nuôi thích ứng với môi trường

Để phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là thống kê, kiểm soát được toàn bộ lồng bè NTTS trong đầm, vịnh, trên biển và diện tích nuôi trên bờ để sắp xếp các vùng nuôi phù hợp với sức tải môi trường, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, không xung đột, mâu thuẫn với hoạt động của các ngành kinh tế khác. Tỉnh khuyến khích áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào NTTS để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Phát triển các mô hình nuôi xen ghép đa đối tượng để tận dụng cơ sở thức ăn tự nhiên, bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ mới trong vật liệu làm lồng bè nuôi trên biển theo hướng thân thiện với môi trường, tăng khả năng chống chịu với gió bão.

Thời gian gần đây, người NTTS trên địa bàn tỉnh cũng dần chuyển đổi từ các loại lồng bè truyền thống, thô sơ sang lồng bè bằng vật liệu mới HDPE. Ông Phạm Phúc ở xã Xuân Thịnh, một trong những ngư dân gắn bó với nghề NTTS chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư 8 ô lồng (mỗi ô khoảng 16m2) bằng phao lồng HDPE để nuôi cá bớp. Đến nay, lồng nuôi đã được 3 năm, chống chịu 2 mùa mưa bão nhưng vẫn đảm bảo. Mặc dù đầu tư ban đầu lớn (khoảng 16 triệu đồng/ô 16m2) nhưng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE rất bền, chống chịu được sóng to gió lớn, không phải tốn công mất sức thay mới sau mỗi mùa mưa bão. Gia đình tôi đã có kế hoạch chuyển dần các lồng bè nuôi tôm hùm bằng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu HDPE.

Mục tiêu của Phú Yên là chuyển đổi các lồng nuôi thủy sản truyền thống sang các loại lồng có vật liệu thân thiện với môi trường và chịu được sóng gió. Theo đó, đến cuối năm 2025 có khoảng 10%, đến năm 2027 có khoảng 20% và đến năm 2030 có khoảng 30% lồng nuôi được chuyển đổi.

Hiệu quả đầu tư lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu mới HDPE mang lại là rất cao, nhiều hộ NTTS trên địa bàn tỉnh đang đầu tư để chuyển đổi sang lồng nuôi vật liệu mới này. Theo ông Nguyễn Quân Anh ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), để nuôi biển theo hướng công nghiệp, gia đình ông đã đầu tư gần 2 tỉ đồng để chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang lồng HDPE. "Hiện gia đình tôi đã đầu tư 10 lồng HDPE tròn, mỗi lồng có đường kính 16m. Chi phí đầu tư nuôi biển bằng lồng HDPE rất lớn, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cũng khá cao và bền vững hơn. Vật liệu lồng nuôi này rất thuận lợi và ổn định, chịu được sóng biển lớn, độ bền cũng trên 40 năm. Gia đình tôi tiếp tục chuyển toàn bộ số lồng nuôi tôm hùm truyền thống (khoảng 20 lồng) sang lồng HDPE tròn có đường kính 8-10m và lồng vuông với mỗi cụm 4-6 ô lồng, mỗi ô lồng khoảng 6m2", ông Phúc chia sẻ.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu đưa ra giải pháp: Thị xã đang triển khai sắp xếp, giao khu vực biển, mặt nước để NTTS lồng bè tại các vùng nuôi, tiến tới chấm dứt tình trạng NTTS không phép, trái phép trên đầm, vịnh. Địa phương đang hình thành vùng nuôi biển xa bờ với diện tích khoảng 1.380ha, đầu tư công nghệ nuôi phù hợp với từng đối tượng nuôi. Sông Cầu cũng đang kiện toàn 129 tổ cộng đồng NTTS theo quy chế tự chủ, tương trợ, hỗ trợ sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ môi trường, bảo vệ ANTT. Đồng thời, địa phương cũng đang triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải từ NTTS lồng, bè; đầu tư hạ tầng ven bờ phục vụ NTTS; chuyển đổi lồng bè nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, mục tiêu của Phú Yên đối với NTTS trên biển là đa dạng đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường của từng khu vực biển của tỉnh. Các đối tượng nuôi chính gồm tôm hùm, cá biển, hàu, vẹm, rong tảo biển, các loại thủy sinh vật cảnh, cung cấp nguyên liệu cho dược phẩm. Chuyển đổi dần các loại lồng bè thô sơ, không đảm bảo an toàn, khả năng chịu sóng gió thấp sang các lồng nuôi có vật liệu thân thiện với môi trường, có độ bền cao và khả năng chống chịu sóng gió tốt hơn. Hình thành các mô hình nuôi đa canh, đa đối tượng để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (nuôi tôm hùm, cá biển kết hợp với nhuyễn thể và trồng rong biển). Chuyển đổi dần từ thức ăn tươi sống, tác động xấu đến môi trường sang sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có hệ số chuyển đổi thấp để tăng tính chủ động trong sản xuất và bảo vệ môi trường.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Để phát triển nghề NTTS ổn định và bền vững, các địa phương cần tập trung rà soát, sắp xếp lại vùng nuôi, tổ chức đăng ký NTTS lồng bè, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng bền vững, nuôi vùng biển xa bờ, nuôi trong các trang trại trên bờ, chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương cũng cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị...

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/nuoi-trong-thuy-san-theo-huong-ben-vung-015712f/