Ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP
Để thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ và đầu tư dây chuyền sản xuất nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập đã mạnh dạn tham gia vào hệ thống Bản đồ số nông nghiệp của tỉnh.

Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh tra cứu thông tin sản phẩm của Tổ sản xuất chè Quang Tiến, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập.
Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc HTX chia sẻ: “Đối với việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay, các kênh tiêu thụ truyền thống ngày càng giảm sút, bán hàng theo hình thức online ngày càng mở rộng, chiếm được thị phần. Để xây dựng HTX phát triển ổn định, bền vững và nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX cũng phải thay đổi phương thức kinh doanh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tham gia một số trang giới thiệu sản phẩm như giaothuong.net; voso.com... đặc biệt là tham gia hệ thống Bản đồ số nông nghiệp của tỉnh (tên miền là nongsanphutho.com.vn). Nhờ đó, nhiều khách hàng ngoại tỉnh cũng đã biết đến thương hiệu gạo Nếp Gà gáy Mỹ Lung, đặt mua hàng. Lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên HTX”.
Tương tự như HTX sản xuất gạo Nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp, HTX rau, củ, quả Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cũng chủ động đưa sản phẩm của HTX lên các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời tham gia chương trình Bản đồ số nông nghiệp của tỉnh. Nhờ tạo dựng được thương hiệu từ trước, cùng với việc được công nhận đạt hạng OCOP, sức tiêu thụ của HTX tăng lên, giúp cho thu nhập của các thành viên HTX đạt khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc HTX chia sẻ: “Từ khi tham gia các sàn thương mại điện tử và hệ thống Bản đồ số nông nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX gặp rất nhiều thuận lợi. Hiện nay, khách hàng không chỉ đặt mua theo hình thức online mà còn tìm đến tận địa chỉ của HTX giúp chúng tôi phát triển thêm hình thức du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng doanh thu cho HTX”.
Thời gian qua, để quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm, các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận đạt hạng OCOP đã tập trung kinh phí đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, các sàn thương mại điện tử để mở rộng khách hàng, kết nối với các đơn vị tiêu thụ. Nhờ chủ động, nắm bắt nhanh lợi thế của các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho sản phẩm của các chủ thể tiếp cận được với đông đảo khách hàng, góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định: “Chuyển đổi số đã giúp các chủ thể OCOP liên kết với các đối tác, kết nối với các đơn vị thu mua để xuất khẩu sản phẩm, trao đổi với người dân vùng trồng nguyên liệu về quy trình, kỹ thuật chăm sóc bảo đảm đạt tiêu chuẩn, yêu cầu về sạch, an toàn. Cũng từ chuyển đổi số, các chủ thể có thể tìm hiểu, nâng cao nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó lượng tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra cũng được nâng lên, củng cố thương hiệu sản phẩm và khẳng định được vai trò của chứng nhận OCOP trong đánh giá sản phẩm nông, lâm nghiệp”.
Có thể nói, việc mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua việc chuyển đổi số đã góp phần giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Đồng thời, qua việc kết nối với các kênh phân phối hiện đại, các chủ thể OCOP có thể chủ động trong các công đoạn sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng yêu cầu với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ung-dung-chuyen-doi-so-trong-tieu-thu-san-pham-ocop-232724.htm