Nuôi vịt đẻ theo hướng liên kết, bảo đảm lợi nhuận

Chăn nuôi vịt đẻ tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đang được nhiều nông dân tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An liên kết với cơ sở ấp vịt, bảo đảm đầu ra của trứng và mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Anh Trần Quốc Hoàng, ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh, theo nghề nuôi vịt đẻ nhiều năm nay và đều thực hiện theo hướng liên kết với chủ cơ sở ấp vịt để tiêu thụ đầu ra của trứng. Hiện anh Hoàng đang nuôi 500 vịt đẻ từ Cơ sở ấp vịt Bé Tư, xã An Nhựt Tân. Đàn vịt nhà anh Hoàng được nuôi từ vịt con đến nay được gần 7 tháng, bắt đầu đẻ trứng được hơn 3 tuần. Anh Hoàng nói: “Vịt nuôi được 6 tháng là đẻ trứng và bắt đầu đẻ rộ từ tháng thứ 7. Hiện nay, mỗi ngày tôi thu hoạch trên 200 trứng. Chỉ 1 tuần nữa thôi, mỗi ngày tôi sẽ thu hoạch khoảng 400 trứng”.

Lựa trứng vịt đủ tiêu chuẩn để chuẩn bị ấp trứng tại cơ sở Bé Tư

Lựa trứng vịt đủ tiêu chuẩn để chuẩn bị ấp trứng tại cơ sở Bé Tư

Cùng ngụ ấp Nhựt Tân, anh Nguyễn Tài Dinh đang nuôi 1.000 con vịt vừa xiêm, vừa trắng cùng độ tuổi với đàn vịt nhà anh Hoàng. Anh Dinh cho biết, nuôi vịt đẻ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, để có đàn vịt đẻ tốt phải là những con khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Điều quan trọng nữa là cần bảo đảm tỷ lệ con đực, con cái trong đàn để đạt tỷ lệ ấp nở cao. Hiện 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày anh Dinh có thể thu hoạch khoảng 800 trứng.

Anh Hoàng chia sẻ thêm, hiện nay người nuôi vịt nếu không vốn cũng không là vấn đề khó, bởi trong huyện Tân Trụ có rất nhiều cơ sở ấp vịt liên kết cùng nông dân.Riêng anh đang thực hiện liên kết cùng Cơ sở ấp vịt Bé Tư ở xã An Nhựt Tân. Theo đó, cơ sở thỏa thuận đưa vịt giống (vịt con) đến cho hộ chăn nuôi, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp thức ăn cho đến khi vịt đẻ trứng. Khi hộ chăn nuôi bắt đầu thu hoạch trứng thì cung cấp đến cơ sở ấp vịt. Và cả 2 bên bắt đầu thực hiện trừ cấn tiền vốn (vịt giống, thức ăn) do cơ sở cung cấp.

Theo anh Hoàng, hiện nay, giá trứng đang có giá khá cao, bình quân 9.000 đồng/trứng (trứng vịt giống) nên nông dân bảo đảm có lãi cao. Anh Hoàng tính toán: “Sang tháng thứ 7 vịt đẻ nên tôi sẽ thu hoạch bình quân mỗi ngày 400 trứng. Với giá bán hiện nay, mỗi ngày sau khi trừ chi phí ban đầu (vịt giống, thức ăn), tôi sẽ có lãi trên 1 triệu đồng. Ưu điểm của việc liên kết này là nông dân không phải lo ngại tìm đầu ra bán trứng và cơ sở ấp vịt luôn có giá thu mua cao hơn so với không liên kết để người nuôi có lãi”.

Ông Nguyễn Văn Bé Tư - chủ Cơ sở ấp vịt Bé Tư, chia sẻ, cơ sở đang nuôi khoảng 3.000 con vịt đẻ. Ngoài chăn nuôi, cơ sở còn liên kết với hơn 20 nông dân trong huyện Tân Trụ, Bến Lức và tỉnh Bến Tre theo hướng cung cấp vịt giống, thức ăn và tiêu thụ trứng. Trứng thu về được chọn lựa và ấp. Bình quân mỗi hộ chăn nuôi từ 500-1.000 con vịt đẻ. Vịt con được tiêu thụ tại nhiều tỉnh như Long An, Tây Ninh, một số tỉnh miền Tây và bán sang Campuchia để nuôi vịt thịt. Chăn nuôi vịt đẻ hiện không khó nhưng hộ chăn nuôi phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học để đàn vịt khỏe mạnh, đẻ đều, trứng to. Trong đó, cần chú ý nhất là cần được cung cấp ánh sáng để kích thích vịt đẻ trứng. Sau 2 năm, hộ chăn nuôi nên tiến hành thay đàn vịt mới nhằm tăng năng suất và chất lượng trứng.

Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân - Nguyễn Ngọc Thanh Phương thông tin, mô hình chăn nuôi vịt theo hướng liên kết trên địa bàn xã thời gian qua tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, hình thức chăn nuôi này đang đi đúng hướng theo chuỗi sản xuất hàng hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hình thức này nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, thuận tiện truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi để ổn định đầu ra, bảo đảm người chăn nuôi có lãi./.

Mai Hương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nuoi-vit-de-theo-huong-lien-ket-bao-dam-loi-nhuan-a84238.html