Nứt núi đe dọa làng ở biên giới tỉnh Quảng Nam

Nứt núi đồi sản xuất ở thôn H'juh, xã biên giới Ch'Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được phát hiện sau bão Yagi. Đường nứt nơi rộng nhất gần một mét và sâu nhiều mét từ trong lòng đất chạy dọc lưng chừng đồi xuống nhiều ngôi nhà. Những ngọn núi nứt đang có dấu hiệu no nước và chực chờ đổ ập bất cứ lúc nào có thể san phẳng làng, đe dọa tính mạng người dân.

Nhiều đoạn đường nứt ngang trên đỉnh đồi, mỗi đường có chiều dài từ 100 đến 150m, độ rộng, sâu đường nứt từ 0,5m đến 1,7m kéo thẳng xuống khu dân cư thôn H’juh.

Nhiều đoạn đường nứt ngang trên đỉnh đồi, mỗi đường có chiều dài từ 100 đến 150m, độ rộng, sâu đường nứt từ 0,5m đến 1,7m kéo thẳng xuống khu dân cư thôn H’juh.

Hơn 20 ngày qua, bà con nhân dân ở khu tái định cư của thôn H’juh, xã biên giới Ch’Ơm vẫn chưa thôi lo lắng, hoang mang chuyện nứt núi. Cứ thấy đoàn công tác hay lực lượng chức năng đến, bà con từ nơi ở tạm tập trung về làng để nghe thông tin, nắm tình hình.

Từ con đường làng bê-tông nhìn lên đồi cao khoảng 20m, cây cối che lấp không thể thấy được lòng đất nứt nhưng nỗi sợ, lo lắng hiển hiện trong đôi mắt những người phụ nữ Cơ Tu.

Hoang mang nứt núi

Sau bão Yagi, người dân thôn H’juh, xã Ch’Ơm phát hiện vết nứt đất bất thường ở nhà của một hộ dân trong làng. Từ dãy 10 căn nhà khang trang sát chân đồi, trèo lên đỉnh đồi hơn 5 phút là những đường nứt núi.

Cảnh báo khu vực nứt núi nguy cơ sạt lở ở thôn H’juh, xã Ch’Ơm.

Cảnh báo khu vực nứt núi nguy cơ sạt lở ở thôn H’juh, xã Ch’Ơm.

Khu vực đồi taluy dương phía sau khu tái định cư của thôn H’juh, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, có khoảng 6 đến 7 đường nứt ngang trên đỉnh đồi; mỗi đường có chiều dài từ 100 đến 150m, độ rộng đường nứt từ 0,5m đến 1,7m; có vị trí sâu khoảng 1,7m.

Tùy đoạn đồi núi, những vết nứt, đất trượt sâu và rỗng bên trong lòng đất. Tại một số vị trí sâu khoảng 1,7m tạo thành 3 hố sâu, hang rỗng không thấy đáy. Sự cảnh giác của người dân và nhanh chóng sơ tán người cả chính quyền địa phương tránh được thảm họa nguy cơ lở núi. “Mấy hố, hang này nếu no nước thì vỡ đất cuốn hết xuống mấy nóc nhà dưới núi”, một cán bộ xã lo lắng.

Phóng viên Báo Nhân Dân tại hiện trường khu vực nứt núi xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang.

Phóng viên Báo Nhân Dân tại hiện trường khu vực nứt núi xã biên giới Ch’Ơm, huyện Tây Giang.

Chị Pơloong Thị Cơm địu con ba tháng tuổi về nhà cũ lấy ít đồ dùng và nghe ngóng thông tin khắc phục nứt núi. Đứng trước ngôi nhà gỗ mới ở được mấy năm, chị Pơloong Thị Cơm tiếc nuối. “Ở lại thì sợ lắm nên đi cùng dân làng qua nơi khác tránh tạm. Từ bên kia núi sợ sạt lở qua đây, mới ở mấy năm vui giờ lại đi buồn lắm”, chị Cơm chia sẻ.

Nhiều hố sâu, hang nhỏ do nứt núi tạo ra.

Nhiều hố sâu, hang nhỏ do nứt núi tạo ra.

Những ngọn núi nứt đang có dấu hiệu no nước và chực chờ đổ ập bất cứ lúc nào có thể san phẳng 10 hộ với 44 khẩu.

Không những thế, hàng trăm mét khối đất đá từ đường nứt núi đổ thẳng xuống có thể đe dọa tính mạng 23 hộ với 91 nhân khẩu khu dân cư thôn H’juh, cách chân núi từ 30-50m.

Đường nứt núi kéo dài khiến nhiều cây lớn trên đồi bật gốc.

Đường nứt núi kéo dài khiến nhiều cây lớn trên đồi bật gốc.

Cùng một số thanh niên trong làng, anh em biên phòng, dân quân chuyển dọn vật dụng cho bà con, ông A Lăng Ri bất an “Đã sạt lở nên địa phương di chuyển gấp mấy ngày trước rồi. Bà con 10 hộ gia đình sát chân núi cũng như bà con khu dân cư trong thôn đều rất lo sợ. Mưa, bão sắp tới lại lo hơn”.

Chị Pơloong Thị Cơm cùng con ba tháng tuổi được chính quyền địa phương đưa đến nơi ở tạm cách khu vực nứt núi hơn một km.

Chị Pơloong Thị Cơm cùng con ba tháng tuổi được chính quyền địa phương đưa đến nơi ở tạm cách khu vực nứt núi hơn một km.

Từ nơi nứt núi về ở tạm nơi sạt lở cũ

Chị Kor Thị Dư chưa bao giờ nghĩ gia đình mình lại tiếp tục di dời khẩn cấp sang một nơi ở khác, sau mấy năm chuyển đến thôn H’juh. Chị càng không nghĩ lại quay về làng cũ, nơi gia đình chị từng rời đi vì nguy cơ sạt lở núi. Trong căn nhà gỗ to, đẹp của một người quen ở làng cũ, gia đình chị Dư cùng ba gia đình hàng xóm chuyển đến ở tạm.

Chị Kor Thị Dư kể, mấy năm trước chị cùng bà con cụm dân cư thôn Cha’lăng sinh sống, làm nương rẫy lo cho con cái. Sau những trận mưa lớn, ngọn núi cách khu dân cư khoảng 150m bị sạt nhẹ. Lo sợ ảnh hưởng bà con, huyện Tây Giang tìm mặt bằng và xây dựng nơi ở mới bên thôn H’juh cách làng cũ hơn một cây số. Nay, nơi mới nứt núi chị lại quay về ở tạm làng cũ.

“Làng cũ cũng đỡ sạt lở rồi về ở tạm an toàn hơn chỗ nứt đồi trên kia. Mấy năm mà chạy tránh núi đồi đổ hoài vừa lo, vừa không ổn định cuộc sống. Mình mong nhà nước tìm được mặt bằng mới để dời tiếp”, chị Dư mong muốn.

Ngay sau khi phát hiện nứt núi và kiểm tra thực địa, chính quyền địa phương huyện Tây Giang đã tổ chức họp dân và di dời khẩn cấp 9 hộ có nguy cơ cao về thôn Cha’lăng, cách thôn H’juh hơn một cây số. Tinh thần tích cực của chính quyền địa phương và bà con thôn Cha’lăng hỗ trợ nhà ở, các hộ của thôn H’juh đã có nơi ở tạm qua mùa mưa này.

Đoạn tường đất bị nứt tách rời đồi có độ cao gần 0,5m.

Đoạn tường đất bị nứt tách rời đồi có độ cao gần 0,5m.

Chia sẻ, động viên bà con dời tạm đến nơi ở mới, lực lượng biên phòng, dân quân, công an xã Ch’Ơm vận chuyển tài sản, vật dụng sinh hoạt cho những hộ dân di dời đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, thông báo khu vực nguy hiểm từ đầu thôn H’juh, vị trí nguy cơ sạt lở và khu vực vùng ven để cảnh báo và hạn chế người dân qua lại.

Nhiều đoạn nứt núi kéo thẳng hướng xuống khu dân cư thôn H’juh.

Nhiều đoạn nứt núi kéo thẳng hướng xuống khu dân cư thôn H’juh.

Tỉnh Quảng Nam đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực thôn H’juh; đồng thời chỉ đạo xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang kiểm tra, tìm mặt bằng để bố trí các hộ dân có chỗ ở ổn định. “Nơi ở tạm cho bà con đã có rồi. Ở miền núi này tìm mặt bằng làm khu dân cư khó lắm nhưng chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh, huyện sớm xây dựng nơi ở mới cho bà con yên tâm, ổn định hơn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ch’Ơm Bling Thị Đẹp.

Người dân về làng cũ ở tạm, cũng là nơi từng nguy cơ sạt lở.

Người dân về làng cũ ở tạm, cũng là nơi từng nguy cơ sạt lở.

Giúp dân chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Giúp dân chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Theo bản đồ cảnh báo sạt lở, tỉnh Quảng Nam có gần 100 điểm có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Nhiều năm qua, huyện Tây Giang là một trong những địa phương làm tốt công tác định canh, định cư an toàn cho người dân ở vùng núi biên giới. Hằng năm, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên đánh giá các khu vực, vùng núi nguy cơ sạt lở mới để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Mạc Như Phương cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện còn một số điểm ảnh hưởng trực tiếp đến sạt lở như thôn A Ring thuộc xã A Xan, thôn A Roi, A Ting thuộc xã Ga Ri cũng đang trong tình trạng sạt lở, nguy cơ sạt lở. Ở vùng núi, đất rộng, người thưa, nhưng để tìm nơi an toàn không lo sạt lở cho bà con cũng rất khó khăn”.

ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nut-nui-de-doa-lang-o-bien-gioi-tinh-quang-nam-post838791.html