'Nút thắt' cản trở nghiên cứu - chuyển giao với cơ sở GD Đại học
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế được xem như đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh, các lab trọng điểm theo mô hình quản trị tiên tiến. Tuy nhiên, còn nhiều “nút thắt” cản trở các nhà khoa học trong nghiên cứu - chuyển giao.
Khoán “nghiên cứu khoa học”
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, chia sẻ: “Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo chính là tăng cường hoạt động nghiên cứu của giảng viên, chú trọng làm tốt công tác tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức khoa học cho các địa phương, thể hiện vai trò và tầm chiến lược của nhà trường trong sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Là một trong những trường sớm thực hiện thí điểm tự chủ đại học, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng xác định hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học (NCKH) là một hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính. Trong hệ thống phân loại xếp hạng các trường đại học, NCKH luôn chiếm vị trí, vai trò quan trọng. Tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển của khoa học và công nghệ của một cơ sở giáo dục đại học.
PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng - cho rằng: “Khó khăn của công tác NCKH trong các trường đại học là kinh phí đầu tư của Nhà nước, nếu có, chỉ tập trung vào đầu tư thiết bị mà không có, hoặc không đồng bộ với chi phí cần thiết cho duy tu, bảo dưỡng. Kinh phí đầu tư cho NCKH cơ bản và các nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng không tương xứng”.
Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, Nhà nước đang tập trung nhiều cho nghiên cứu cơ bản nên đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững chưa đạt yêu cầu. Thêm vào đó, việc quản lý mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ NCKH giống như cơ sở vật chất. Thủ tục thanh quyết toán phức tạp không khuyến khích được giảng viên có trình độ cao thực hiện NCKH.
Ngoài ra, theo như PGS.TS Võ Thị Thúy Anh nhận xét, cơ chế phân bổ ngân sách cho khoa học còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, các cơ quan và địa phương không có chức năng nghiên cứu nhưng lại được phân bổ nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ… kèm theo đó là nguồn kinh phí lớn; trong khi các tổ chức khoa học công nghệ chỉ được rót nhỏ giọt, đôi khi giống kiểu “làm thuê” cho các tổ chức và địa phương nói trên.
Chính vì vậy, cần có cơ chế quản lý và nghiệm thu đề tài theo sản phẩm đăng ký nhằm đơn giản các thủ tục mua sắm thiết bị, nghiệm thu để động viên, khuyến khích các nhà khoa học, đặc biệt nhà khoa học trình độ cao, tham gia đề tài NCKH.
Hiện nay, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tăng số lần xét tuyển đề tài cấp cơ sở từ 1 lần/năm lên 2 lần/năm để có thể tuyển chọn đề tài đáp ứng tốt hơn. Nhà trường cũng xét duyệt kinh phí thực hiện đề tài dựa vào sản phẩm khoa học đăng ký. Các đề tài có sản phẩm ứng dụng cần nộp đơn sở hữu trí tuệ như sản phẩm đề tài, nhà trường bổ sung kinh phí này trong kinh phí của đề tài.
Hợp tác công – tư
GS.TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng, muốn giảng viên NCKH nghiêm túc, thực sự có chất lượng, cần phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm và khai thác hiệu quả.
Các phòng thí nghiệm có thể do cán bộ đủ năng lực xây dựng đề án thành lập và chịu trách nhiệm quản lý để thực hiện đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện các dự án hoặc làm công trình cho doanh nghiệp. Những phòng thí nghiệm được cấp kinh phí nghiên cứu hàng năm và phải cam kết mỗi năm có số bài báo tối thiểu trên các tạp chí hoặc hội nghị uy tín trên thế giới.
Để phát huy tối đa khả năng chuyên môn của cán bộ, giảng viên trong hoạt động nghiên cứu, bên cạnh chủ trương phát triển các nhóm TRT (Teaching Research Team nghiên cứu - giảng dạy), Đại học Đà Nẵng chủ trương đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện nghiên cứu theo yêu cầu người sử dụng chứ không theo đầu tư cho đơn vị khoa như trước. Các nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với trường để xây dựng đề án tăng cường năng lực nghiên cứu hoặc đề án hợp tác với nước ngoài và trang thiết bị sẽ được đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu nghiên cứu của cán bộ.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, việc hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục đại học, các văn bản pháp lý đang từng bước hoàn thiện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ban hành năm 2018 xác định có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành năm 2020 xác định lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, để triển khai PPP trong lĩnh vực giáo dục đại học còn gặp một số khó khăn như việc định giá tài sản. Ngay cả khi các dự án hợp tác PPP đi vào hoạt động cũng cần thời gian để thu hồi vốn sau đó mới có thể tính đến việc hỗ trợ cho các trường từ nguồn lợi nhuận thu được. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác PPP cho các trường đại học tự chủ. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ trong các trường đại học.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng, ngoài NCKH công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường đại học cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Việc các cơ sở giáo dục đại học triển khai ký kết hợp tác với những địa phương trong NCKH có địa chỉ để chuyển giao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu cho thấy có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ chỗ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đơn đặt hàng. Kết nối sản phẩm nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng được xem là cách để các trường đại học cân đối nguồn thu. Nếu nguồn thu của các trường chủ yếu từ nguồn học phí thì sẽ thiếu đa dạng và có tính rủi ro cao do dựa vào kết quả và quy mô tuyển sinh.