Nút thắt trong kêu gọi FDI vào Quảng Trị
Việc thiếu các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển nước sâu, kho ngoại quan đã ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị thời gian qua.
Thông tin trên được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Trị nêu ra trong bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương này.
Hiện tại, tỉnh Quảng Trị có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó: 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 50 triệu USD; 6 dự án đang triển khai xây dựng với vốn đăng ký khoảng 2,4 tỷ USD.
Điển hình một số dự án tiêu biểu như: Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - Giai đoạn 1 của tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc gồm Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp Hàn Quốc: Công ty CP Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS) (khoảng 2,3 tỷ USD); Khu công nghiệp Quảng Trị của Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore, Công ty CP đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation (khoảng 88 triệu USD);…
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, mặc dù tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, nhưng kết quả thu hút FDI trong 9 tháng đầu năm 2022 chưa đạt được kỳ vọng, không có dự án FDI đăng ký đầu tư mới được cấp phép.
Đồng thời, một số dự án tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động với hiệu quả thấp. Nhà đầu tư thiếu phối hợp trong thực hiện báo cáo tình hình dự án. Một số dự án đã được cấp phép nhưng tiến độ triển khai còn chậm.
Doanh nghiệp gặp khó khi muốn đầu tư tại Quảng Trị
Nguyên nhân của tình trạng này cũng được lý giải cụ thể. Theo đó, cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, hạ tầng vẫn là ‘nút thắt’ trong kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Việc thiếu các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển nước sâu, kho ngoại quan đã có nhiều ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đầu tư nói chung của tỉnh Quảng Trị chưa tạo được lợi thế thực sự khác biệt để kêu gọi, thu hút đầu tư do nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc giải phóng mặt bằng chậm, không đảm bảo tiến độ bàn giao cho nhà đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong triển khai dự án cũng như ái ngại trong quyết định đầu tư.
Được biết, trong năm 2022, không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Một dự án thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư là dự án SANGSHIN CENTRAL VIỆT NAM của Công ty TNHH Sangshin Central Việt Nam (nâng tổng mức đầu tư từ 3,5 triệu USD lên 4 triệu USD).
Nhìn chung, các dự án FDI tại Quảng Trị đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID và thiên tai.
Trong năm 2022, vốn thực hiện các dự án đạt khoảng 6 triệu USD (bằng khoảng 104% so cùng kỳ 2021), doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài đạt gần 82 triệu USD (bằng khoảng 80% so cùng kỳ 2021).
Trong năm 2023, Quảng Trị dự kiến mục tiêu thu hút và phê duyệt đầu tư ít nhất 1 dự án FDI với tổng mức đầu tư khoảng 20 triệu USD.
Hiện tại, phần lớn các dự án nhận được quan tâm của nhà đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch và kinh doanh bất động sản.
Cụ thể: Khu tổ hợp du lịch dịch vụ, đô thị sân golf hồ Nghĩa Hy, huyện Cam Lộ (Công ty Tập đoàn T&T, vốn đăng ký dự kiến 651 triệu USD, quy mô 200ha); Khu đô thị Thuận Châu, thành phố Đông Hà (Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam và Công ty CP May - Diêm Sài Gòn, 48 triệu USD, khoảng 27ha); Khu đô thị Hawee Park Land Đông Hà (Công ty CP Hawee Cơ điện, khoảng 10ha); Khu đô thị mới khóm 5 thị trấn Hồ Xá (Liên danh Công ty CP VRE, Công ty CP Pacific Land, Công ty CP Xây dựng số 7).
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nut-that-trong-keu-goi-fdi-vao-quang-tri-1676734075236.htm