Ở đây vứt rác cũng mất tiền, nhiều người kiếm sống nhờ… vứt rác hộ

Những loại rác thải cồng kềnh tại đây trở thành 'cái gai' trong mắt nhiều người, vứt không được mà muốn xử lý thì phải trả phí.

Chi tiền triệu để “tống tiễn” đồ cũ

Một người đàn ông họ Lý sống tại khu Triều Dương, Bắc Kinh (Trung Quốc) cần thanh lý một số đồ nội thất cũ trong nhà vì căn nhà này chuẩn bị cho thuê. Ông đã đăng bán trên một sàn giao dịch đồ cũ nhưng sau vài ngày vẫn không có ai có nhu cầu mua. Nhận thấy thời hạn thuê nhà đang đến gần, ông đã phải trả hơn 600 NDT (1,9 triệu đồng) để thuê người đến tận nhà “tống tiễn” nhứng món đồ cồng kềnh này đi.

Tuy nhiên, ông Lý cho biết bên dịch vụ chỉ nhận thu và tái chế tivi, tủ quần áo cũ.

“Những món nội thất cồng kềnh này không thể vứt ở bãi rác hay bất cứ đâu. Tôi nghĩ chúng có thể được tái chế và bán lại nên sẽ không bị tính phí tái chế. Không ngờ vẫn bị tính phí và còn cộng thêm phí tháo dỡ”, ông Lý chia sẻ.

Không chỉ riêng ông Lý, nhiều người dân ở Bắc Kinh cũng không khỏi đau đầu vì không biết vứt những thứ “rác” cồng kềnh này ở đâu. Những người thu gom phế phẩm cũng phân loại “hàng”, nếu “hàng” không đủ tốt thì họ không lấy.

Hiện nay, nhiều tiểu khu ở Bắc Kinh đã thành lập trạm lưu giữ tạm thời đối với các loại phế phẩm cồng kềnh, tuy nhiên sẽ mất phí và một số phế phẩm quá to sẽ không được nhận.

Giám đốc trạm lưu trữ phế phẩm cồng kềnh ở khu Lan Viên, Bắc Kinh cho biết, nệm hay ghế sofa sẽ có giá lưu trữ là 50 NDT (163.000đ).

Không chỉ riêng Bắc Kinh, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc cũng đang lâm vào tình trạng tương tự.

Kiếm tiền nhờ… vứt rác hộ người khác

Trương Sĩ Siêu (Bắc Kinh) đã làm nghề thu mua phế phẩm suốt 10 năm qua. Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, anh nhận thấy các món nội thất cũ ngày càng khó bán, yêu cầu thu gom cũng ngày càng khắt khe. Ví dụ, ghế sofa sẽ chỉ nhận lấy nguyên bộ, thiếu một chiếc đệm cũng không được.

Một người cùng ngành khác chia sẻ, việc vận chuyển những đồ đạc lớn đôi khi phải thuê cả người lẫn ô tô để di chuyển, tốc độ quay vòng vốn chậm. Đồ đạc lớn nên tốn diện tích, trong khi tiền thuê kho chứa không rẻ. Do đó, người này sẵn sàng tái chế các sản phẩm điện hơn là những món nội thất lớn.

Khi đồ nội thất cũ ngày càng giống một “hòn than nóng” không ai muốn cầm, người tiêu dùng bắt đầu tìm đến các dịch vụ thanh lý trả phí nhiều hơn. Chẳng hạn, họ sẵn sàng trả 100 NDT (325.000 đồng) để thuê người đến thu gom một tấm nệm, hay khoảng 400 NDT (1,3 triệu đồng) cho một chiếc tủ quần áo cao khoảng 2m.

Giải pháp miễn phí từ chính quyền

Ngoài ra, từ năm 2018, khu Hải Định (Bắc Kinh) đã xây dựng nhiều trạm trung chuyển thu gom rác thải cồng kềnh. Người dân có thể trả tiền cho các dịch vụ thu gom rác tận nhà thông qua ứng dụng điện thoại, hoặc có thể mang trực tiếp đến trạm trung chuyển để không mất phí.

Theo ông Triệu Kỷ - giám đốc Văn phòng Trung tâm Tái chế vật liệu quận Hải Định, sofa, nệm và nhiều đồ nội thất cũ khác sẽ được cho vào máy để cắt và nghiền. Những mảnh gỗ vụn, vải vụn, bọt biển vụn sau khi nghiền sẽ được bán cho các nhà sản xuất nước ngoài để sử dụng năng lượng (VD: sản xuất nhiệt điện).

Hương Nguyễn (Theo CCTV Finance)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/o-day-vut-rac-cung-mat-tien-nhieu-nguoi-kiem-song-nho-vut-rac-ho-204242607160702786.htm