Ở 'không gian tác chiến thứ 5'
'Đạo luật này là cần thiết và khẩn cấp, bởi có một cuộc chiến tranh chưa từng có đang diễn ra để chống lại đất nước chúng ta'. Theo hãng tin TASS, ngày 5-3, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã khẳng định như vậy trước báo giới, khi đề cập đến luật áp dụng các án phạt tù, có thể lên tới 15 năm nếu đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành một ngày trước đó.
Cuộc chiến trên mặt trận thông tin - tuyên truyền (hoặc dưới một cái tên khác là “tâm lý chiến”) không phải là điều mới mẻ trong quân sử thế giới. Song, với những động thái này, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được rõ: Kiểu chiến tranh ấy giờ đã phát triển đến một mức độ đa dạng, phức tạp và khốc liệt như thế nào.
Những sát thủ bàn phím
“Đạo luật này là cần thiết và khẩn cấp, bởi có một cuộc chiến tranh chưa từng có đang diễn ra để chống lại đất nước chúng ta”. Theo hãng tin TASS, ngày 5-3, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã khẳng định như vậy trước báo giới, khi đề cập đến luật áp dụng các án phạt tù, có thể lên tới 15 năm nếu đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành một ngày trước đó.
Cuộc chiến trên mặt trận thông tin - tuyên truyền (hoặc dưới một cái tên khác là “tâm lý chiến”) không phải là điều mới mẻ trong quân sử thế giới. Song, với những động thái này, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được rõ: Kiểu chiến tranh ấy giờ đã phát triển đến một mức độ đa dạng, phức tạp và khốc liệt như thế nào.
Một người lính livestream trên chiến trường - chiến tranh trở thành một trò đùa?
Những sát thủ bàn phím
Đây hoàn toàn không phải là lời mỉa mai, trong trường hợp cụ thể của thực trạng những diễn biến gắn liền với tình hình ở Ukraine. Và có lẽ cũng không còn ai hoặc chỉ còn rất ít người trên thế giới xem đó là một câu chuyện tầm phào, khi nhóm hacker lừng danh Anonymous tuyên bố tình trạng “chiến tranh mạng” với nước Nga, ngày 25-2.
Trong thế giới thời 4.0 này, lời “tuyên chiến” một nhóm hacker “số má” và táo tợn như Anonymous - những kẻ đã từng tấn công hệ thống mạng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lẫn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - là một lời đe dọa không thể xem thường. Bởi vậy, khi Anonymous công khai các mục tiêu như cơ sở dữ liệu của Điện Kremlin, Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Quốc phòng Nga, các kênh truyền hình quốc gia Nga, thậm chí là hệ thống vệ tinh giám sát của Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos)... không chỉ thế giới công nghệ, cả thế giới thực cũng nín thở.
Thực tế, bảo mật thông tin chính là yêu cầu cao nhất, cũng sẽ có thể trở thành “tử huyệt” đối với mọi thực thể, mọi cá nhân, mọi tổ chức, mọi quốc gia và mọi cộng đồng, trong thời đại bùng nổ thông tin này.
Các quân đội cũng không thể là ngoại lệ. Không phải ngẫu nhiên, tròn 10 năm trước, Lầu Năm Góc đã chính thức công nhận “không gian mạng” là “chiến trường thứ năm” của quân đội Mỹ, bên cạnh các chiến trường trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian vũ trụ. Trước đó, từ năm 2010, cố vấn an ninh mạng Richard Clark của Nhà Trắng định nghĩa trong cuốn “Cyber War”: “Chiến tranh mạng là hành động của một quốc gia xâm nhập vào hệ thống máy tính của một quốc gia khác với mục đích phá hoại hoặc gây hỗn loạn trong hệ thống đó”. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy - ông William Lynn - nhấn mạnh: “Nếu quốc gia nào vi phạm không gian mạng của Mỹ, Mỹ sẵn sàng trả đũa bằng sức mạnh quân sự thật, ở thế giới thực”.
Một cách ngắn gọn, những “vũ khí trên mạng” có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với vũ khí thông thường nhưng sức tàn phá lại không kém gì vũ khí hạt nhân. Như một bản báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2014 đánh giá: “Lính bàn phím ngày nay được đánh giá nguy hiểm không thua lính trận. Màn hình có sức công phá ghê hơn đại bác. Không như thời Thế chiến 2, ngày nay người ta không chỉ đọc được mật mã vô tuyến mà còn điều khiển được các thiết bị vô tuyến mà đối phương không hề biết. Lính bàn phím có thể phá hỏng hệ thống liên lạc chỉ huy, ngăn chặn lệnh tác chiến giữa bộ tư lệnh với sĩ quan hoặc giữa các đơn vị, làm nhiễu thông tin, tạo lệnh chỉ huy giả...”.
Vì thế, đáp lại lời hăm dọa và các hành động của Anonymous, một nhóm hacker Nga là Killnet đã lập tức phản đòn, đánh sập một trang web quan trọng được cho là có liên quan đến Anonymous (theo AFP).
Không chỉ vậy, họ còn kêu gọi người dân Nga đừng dao động bởi các tin đồn và hãy vững tin vào hành động của chính phủ trong thời điểm hiện tại. "Xin gửi lời chào tới các công dân Nga. Internet tràn ngập thông tin giả mạo về các vụ hack ngân hàng Nga, các cuộc tấn công vào máy chủ truyền thông Nga... Tất cả những điều này không nguy hiểm.Đừng rơi vào thông tin giả mạo trên Internet.Đừng nghi ngờ ở đất nước của mình", lời kêu gọi nêu rõ.
Và: “Đừng sợ, các công dân Nga! Không ai và không có gì có thể đe dọa bạn. Các tin tặc ẩn danh của Anonymous, hãy dành sức mà chăm sóc, khôi phục trang web của các bạn, trông nó thật tang thương".
Khi tin tức cũng là thuốc độc
Cuộc chiến giữa những nhóm hacker ở hai phía, như Anonymous và Killnet, chắc chắn sẽ còn tiếp diễn gay cấn và sẽ còn thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng, không kém gì thực địa chiến trường.
Song, mặt khác, chính những lời nhắn nhủ của Killnet ở trên, đặt cạnh sắc lệnh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin mới ký ban hành, đã phác thảo một tầng mức khác còn giàu khả năng hủy diệt hơn của chiến tranh tuyên truyền hiện đại, với một nỗi ám ảnh khủng khiếp: Tin giả.
Đây là một thí dụ về sức tàn phá đó: Đích thân Tổng thống Vladimir Putin, ngày 3-3, đã phải xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc gia, để bác tuyên bố của một số phương tiện truyền thông nước ngoài, rằng số tiền hỗ trợ cho các gia đình có binh sĩ Nga thiệt mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine chỉ là 100 USD/người. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định: những người bị thương đủ điều kiện nhận khoản tiền 28.000 USD, trong khi quân nhân bị thương tật vĩnh viễn sẽ nhận được tiền trợ cấp suốt đời từ Chính phủ Nga, còn các gia đình tử sĩ sẽ nhận 65.000 USD.
Nếu ông không làm như vậy, nghĩa là không có các động thái “giải độc thông tin” kịp thời về vấn đề “tế nhị” nhưng vẫn mang tính cốt lõi này, tinh thần chiến đấu của những người lính chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Xuất hiện những nỗi lo về một cuộc “chiến tranh mạng toàn cầu”.
Tại Hội nghị Hội đồng An ninh Liên bang Nga năm 2013, chính Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Trong điều kiện hiện nay, sức sát thương của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn bất kỳ loại vũ khí thông thường nào”, khi thành lập binh chủng Tác chiến không gian mạng.
Và Chiến lược Chiến tranh mạng của Bộ Quốc phòng Nga, ban hành tháng 3-2012 dưới cái tên “Khái niệm về hoạt động của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên không gian mạng” cũng nêu rõ: “Chiến tranh thông tin là sự đối đầu giữa hai hay nhiều quốc gia trong không gian thông tin, với mục đích gây tổn hại các hệ thống, quy trình và nguồn tài nguyên thông tin cũng như các kết cấu quan trọng khác; phá hoại hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội; tác động đến tâm lý của người dân nhằm gây ra bất ổn trong xã hội và nhà nước, thậm chí buộc nhà nước phải đưa ra những quyết định có lợi cho phe đối lập”.
Bên cạnh Mỹ và Nga, mọi cường quốc khác trên thế giới như Pháp, Anh hay Trung Quốc, từ rất sớm, cũng đã ý thức một cách rõ rệt tầm quan trọng của chiến tranh mạng nói chung và chiến tranh thông tin trên mạng nói riêng. Tuy nhiên, sau cả thập kỷ, đến tận lúc này, có lẽ tính thực chiến của loại hình chiến tranh đó mới được thể hiện rõ nét và chân thực nhất.
Điều đáng sợ là khi đã phát triển đến mức độ này, chuyện chế tạo thông tin giả trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nó cũng có nghĩa là sự nhiễu loạn cùng tính độc hại của thông tin gia tăng theo cấp số nhân, khi phần lớn netizen (công dân mạng) luôn bị cuốn theo ý kiến số đông (trong vòng bạn bè quanh mình đã được lọc bởi thuật toán) thường mang màu sắc suy diễn hay quy chụp cảm tính, khi lượng view, lượng like, lượng share, lượng tương tác thậm chí đủ sức “thổi bay” những lập luận logic, trong không ít trường hợp. Bất ổn, thực ra, luôn có thể nảy mầm từ mảnh đất màu mỡ đó.
Một người bình thường quan tâm đến tin tức thời sự sẽ không có cách nào trong thời gian ngắn kiểm chứng nổi mức độ đáng tin cậy của thông tin, khi bị nhấn chìm trong một đại dương thật giả lẫn lộn những clip (thậm chí là livestream) được chia sẻ như gió bão trên các nền tảng mạng xã hội. Kể từ đầu cuộc xung đột quân sự đã có không biết bao nhiêu những tấm ảnh cũ được “tân trang” để sử dụng cho mục đích tuyên truyền mới, cũng có không biết bao nhiêu những hình ảnh được gán vào các dòng chú thích sơ sài.
Một đoàn xe quân sự đứng yên, chắc gì đã là bị bỏ lại? Một người đàn ông mặc quân phục, bị trói tay, cúi mặt hô vang những khẩu hiệu tôn vinh kẻ thù, chắc gì đã là tù binh thật? Một vị nguyên thủ đích thân mang áo chống đạn ra trận tiền, hóa ra lại là khung cảnh từ năm trước, trong một cuộc diễn tập.
Và, giả như cũng có những hình ảnh là thật thì chuyện có những binh sĩ, ở cả hai phía, livestream trực tiếp trên Facebook, TikTok, Twitter hay YouTube... liệu có phải là điều phù hợp với kỷ luật nhà binh, theo những quy chuẩn khắc nghiệt muôn đời của chiến tranh?
Sẽ còn bao nhiêu hệ lụy nữa từ thông tin giả, dành cho những tính toán chiến lược thượng tầng, cũng như cho tâm trạng xã hội vốn đã đầy kích động và bất an của từng người dân?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/o-khong-gian-tac-chien-thu-5-i646479/