Ở lâu trong tiếng ồn, nguy cơ mắc căn bệnh diễn tiến âm thầm và không hồi phục
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hơn 600 triệu người lao động trên toàn thế giới tiếp xúc với mức độ tiếng ồn nguy hại hằng ngày.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) vừa có cảnh báo về bệnh điếc chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các bệnh nghề nghiệp. Tỉ lệ người khám điếc trên tổng số người khám bệnh nghề nghiệp chung là 41%. Bệnh phổ biến ở nam giới từ 35-45 tuổi.
Điếc nghề nghiệp là bệnh lý phổ biến nhất trong nhóm các bệnh nghề nghiệp. Bệnh do tiếp xúc với tiếng ồn của môi trường lao động với cường độ cao trên mức gây hại. Bệnh diễn tiến chậm, không hồi phục.
Hiện nay, tỉ lệ người lao động đang làm việc trong môi trường có tiếng ồn như công trường xây dựng, nhà máy, mỏ, sân bay,... hay thậm chí một số nghề liên quan đến âm nhạc, nguy cơ mắc bệnh điếc nghề nghiệp là rất cao. WHO ước tính hơn 600 triệu người lao động trên toàn thế giới tiếp xúc với mức độ tiếng ồn nguy hại hằng ngày.
Theo các bác sĩ, điếc nghề nghiệp là bệnh do tiếp xúc với tiếng ồn trong môi trường lao động, cường độ cao trên mức gây hại (trên 85 dBA). Bệnh có thể ngăn ngừa nhưng do không chú ý tới nên khi phát hiện bệnh không thể hồi phục.
Nguyên nhân gây bệnh do âm thanh cường độ cao, tác hại gây tổn thương không hồi phục của các tế bào tiếp nhận âm thanh ở tai trong. Bệnh điếc nghề nghiệp diễn tiến chậm, phụ thuộc vào cường độ tiếng ồn và thời gian tiếp xúc. Ví dụ thính lực có thể bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc với tiếng động lớn (tiếng nổ). Nhưng nếu chỉ tiếp xúc thời gian ngắn và âm lượng không quá lớn thì thính giác sẽ được cải thiện khi các tế bào tiếp nhận âm thanh ở tai trong hồi phục.
Đáng chú ý, đa số những người tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên không thể nhận thấy tác hại của nó cho đến một ngày chợt nhận ra rằng mình không thể nghe tốt như trước đây. Đặc biệt, tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn quá mức có thể dẫn đến giảm thính lực vĩnh viễn.
Khi bị điếc, người bệnh ở trong giai đoạn kích ứng vài tuần đến vài tháng sau khi tiếp xúc với tiếng ồn. Người lao động sẽ cảm thấy ù tai, nghe kém sau khi hết giờ làm việc. Thông thường, những người thân trong gia đình sẽ nhận thấy rằng một người có vấn đề về thính giác trước khi chính họ nhận ra điều đó.
Bệnh tuy không có khả năng hồi phục nhưng có thể dự phòng được bằng các biện pháp đơn giản. Để dự phòng bệnh, môi trường làm việc có tiếng ồn, môi trường lao động cần phải được đo quan trắc môi trường hàng năm; luôn đảm bảo cường độ tiếng ồn tiếp xúc phải dưới 80 dA.
Thêm vào đó, nơi làm việc cần có quy định thời gian tiếp xúc với tiếng ồn (nếu có vượt quá tiêu chuẩn), cải thiện tiếng ồn bằng các biện pháp kỹ thuật: cách âm, bôi trơn dầu máy …Khi tuyển dụng người lao động vào các vị trí có tiếp xúc với tiếng ồn cần khám sức khỏe để đảm bảo không có các tổn thương trước đó ở cơ quan thính lực.
Người lao động cần được khám, phát hiện sớm tình trạng mất thính lực thông qua khám định kỳ và sàng lọc thính lực. Ngoài ra, cần truyền thông giáo dục để người lao động tự giác đeo nút tai chống ồn…
Đối với người lao động sau khi được giám định điếc nghề nghiêp cần bố trí công việc khác phù hợp với sức khỏe và sử dụng tai nghe tại nơi làm việc hoặc trong cuộc sống hàng ngày giúp duy trì chất lượng cuộc sống...