Ở một mình với 4 bức tường suốt 4 tháng giãn cách
Một ngày giữa tháng 8, khi đứng bên cửa sổ tầng 4 khu nhà trọ ở quận Tân Bình, nghe tiếng xe cấp cứu chở F0 hú còi dưới đường, trong đầu Thanh toàn những điều tiêu cực.
Đại dịch Covid-19 cho thấy hậu quả bằng những con số cụ thể, nhưng đại dịch cô đơn âm thầm, khó nắm bắt cũng nguy hiểm không kém.
Kể cả khi những hạn chế dần được dỡ bỏ để hướng tới cuộc sống "bình thường mới", những người đặc biệt bị ảnh hưởng bởi việc thiếu tiếp xúc với xã hội có thể thấy mình bị "bỏ lại phía sau" và "mắc kẹt".
Zing đã nói chuyện với 4 bạn trẻ ở TP.HCM để tìm hiểu nỗi cô đơn mà họ đang phải đối mặt trong nhiều tháng qua.
Mắc kẹt
Suốt 4 tháng nay, Nguyễn Thị Lệ Quyên (sinh năm 1995, ngụ ở quận Phú Nhuận) gần như chưa bước chân ra khỏi phường mình sinh sống. Số bạn bè, người thân gặp mặt chỉ tính trên đầu ngón tay.
Làm việc ở nhà, trò chuyện với đồng nghiệp, trao đổi với khách hàng đều thông qua mạng xã hội, Quyên đôi lúc cảm thấy mình đang sống ở một không gian khác, tách biệt với phần còn lại.
“Ròng rã nhiều tháng ở nhà đúng là một điều kinh khủng với một đứa cuồng chân hay đi như mình. Nói như ngôn ngữ của Gen Z bây giờ, mình thực sự 'chằm zn'”.
Trước đây, Quyên từng làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Vào những tháng cao điểm cuối năm, cứ 3-4 ngày, cô lại có một chuyến công tác liên tỉnh.
Mỗi năm, Quyên cũng cùng hội bạn thân du lịch 2-3 lần. Riêng Đà Lạt, điểm đến yêu thích của Quyên, cứ rảnh lúc nào cô lại đi lúc đó, có năm vừa du lịch, vừa công tác hết 8-9 lần.
Đầu tháng 6, Quyên chuyển sang làm marketing cho doanh nghiệp tư nhân.
Chưa kịp quen biết hết đồng nghiệp thì một tuần sau cả công ty phải chuyển sang làm việc tại nhà trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại.
Những ngày đầu ở yên trong nhà, Quyên thấy khá bình thường, thậm chí thoải mái hơn vì không phải lo dậy sớm đi làm tránh kẹt xe.
Tuy nhiên, sang đến tháng thứ hai, Quyên bắt đầu thấy khó chịu, chán nản với cảnh loay hoay một mình trong 4 bức tường. Hoạt động trong ngày không nhiều, không nghe tiếng người, mọi chuyện đang diễn ra ngoài đường cô chỉ được đọc qua mạng xã hội, báo chí.
“Vài tuần đầu tiên, mình nghĩ: 'Không sao, mọi việc vẫn ổn'. Nhưng sau đó tình trạng này cứ kéo dài. Một ngày nọ, mình nhận ra đã gần 4 tháng mình không chạm vào người khác. Xung quanh mình chỉ có 4 bức tường'.
Khoảng cuối tháng 7, thời điểm TP.HCM siết giãn cách, là giai đoạn Quyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhất. Cô thấy mình ủ dột, thường xuyên kiệt sức, bị bủa vây bởi thông tin tiêu cực, ngột ngạt trong chính không gian thân thuộc nhất.
“Vốn là người hoạt bát, mình chưa bao giờ hình dung có ngày phải trải qua tình cảnh như vậy. Không dễ dàng gì khi sống một mình vào thời điểm này", Quyên kết luận.
Thèm giao tiếp
Nguyễn Ngọc Vân Anh (sinh năm 1996) bắt đầu làm việc tại nhà từ ngày 17/5. Công ty của Vân Anh vốn có chính sách làm việc linh hoạt nên thường trong một tháng, nhân viên có thể work from home 1-2 ngày.
Khi Covid-19 ập đến, toàn thể công ty cô phải làm việc ở nhà suốt nhiều tháng liền.
Trong 4 tháng qua, ngoài đi xét nghiệm, tiêm vaccine, Vân Anh gần như chỉ thu mình trong 4 bức tường của căn hộ ở quận 7.
Thời gian đầu, cô gái 25 tuổi hoàn toàn ổn. Mỗi ngày không cần phải dầm mưa đội nắng lên văn phòng, lo tiền xăng xe hay cảnh tắc đường giờ cao điểm, cô cũng có thêm thời gian chăm chút bản thân, theo đuổi sở thích riêng như tập thể dục, nấu ăn.
Tuy nhiên sau khoảng 2 tháng, Vân Anh bắt đầu thèm giao tiếp kinh khủng.
Cô thấy nhớ những ngày còn được lên văn phòng gặp gỡ, trò chuyện với đồng nghiệp.
Cuối tuần trước đây là khoảng thời gian xả stress cùng nhóm bạn thân trong những quán cà phê, trà sữa nhưng giờ gần như kéo dài vô tận vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một mình trong căn hộ nhỏ.
Bí bách, khó chịu, cô đơn, trống trải, Vân Anh cảm thấy bế tắc, sợ hãi, nhất là khi màn đêm buông xuống.
"Mình đã trải qua nhiều đợt cách ly ngắn trước đó, nhưng nhiều tuần không ra khỏi nhà thì sự căng thẳng tích tụ nhiều hơn. Càng đọc tin tức về F0, ca nhiễm, hay nghe tin người quen không may nhiễm bệnh, mình càng được nhắc nhở rằng cuộc sống ngoài kia đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mình không thể giả vờ rằng mọi việc đang ổn hay tình hình sẽ sớm bình thường trở lại", Vân Anh kể.
Căng thẳng
Thời gian đầu phải ở nhà vì giãn cách, Hồng Anh (sinh năm 2000, sống tại quận 8) rơi vào trạng thái bị dồn nén cảm xúc vì suốt ngày phải ở trong 4 bức tường.
Vốn là người có tâm lý nhạy cảm, cô phải cố gắng điều tiết suy nghĩ để không bận tâm tới những vấn đề tiêu cực.
Đến đầu tháng 8, mẹ cô có dấu hiệu mỏi mệt, đau người nhưng chỉ nghĩ đó là do tác dụng phụ của việc tiêm vaccine. Phải đến khi mẹ bị mất vị giác, cô mới hốt hoảng tìm mua bộ test.
“Kết quả test nhanh ra 2 vạch. Mẹ khá bình tĩnh, còn mình thật sự run, đến mức phải trốn vào phòng khóc vì lo sợ. Khi đó nhà mình đang trong vùng đỏ, đã có nhiều ca tử vong nên tinh thần hai mẹ con càng xuống, chỉ biết động viên lẫn nhau cố gắng”, cô kể.
Những ngày sau đó, mẹ của Hồng Anh tự cách ly tại nhà, ở phòng riêng, ăn uống riêng và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
“Căng thẳng vì ở nhà quá lâu, lại gặp thêm biến cố như vậy nên tâm lý mình bị ảnh hưởng, sự tiêu cực xâm chiếm hoàn toàn tâm trí. Vì lo cho mẹ nên những chuyện khác mình không thể chu toàn, suốt ngày đầu óc lơ lửng trên mây và hay suy nghĩ linh tinh”.
Nhiều nỗi sợ cùng lúc ập tới, cô sợ mẹ không qua khỏi, sợ bản thân cũng bị nhiễm, sợ bị mọi người xa lánh. Nhưng càng lo cho mẹ, Hồng Anh càng cố gắng vực dậy tinh thần của mình, bởi cô phải khỏe mạnh mới có thể chăm sóc, bảo vệ mẹ.
Ban đầu, vì sợ gia đình bị kỳ thị nên cô không dám kể chuyện mẹ là F0. Đến lúc đầu óc quá căng thẳng, cô mới tâm sự với một số bạn thân, đồng nghiệp.
“Mình bất ngờ khi ai cũng động viên, an ủi, cứ vài ngày mọi người lại hỏi thăm để cập nhật tình hình sức khỏe của cả gia đình mình”.
Khoảng 12 ngày sau, Hồng Anh vui mừng khi mẹ cô đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Mẹ cũng bắt đầu ngửi, nếm lại bình thường và sức khỏe dần hồi phục.
Bất ổn
Một ngày giữa tháng 8, khi đứng bên cửa sổ tầng 4 khu nhà trọ ở quận Tân Bình, nghe tiếng xe cấp cứu chở F0 hú còi dưới đường lớn, Thanh đã bất giác nghĩ: “Hay là nhảy xuống!”.
Cô lập tức giật mình bởi ý nghĩ khủng khiếp vừa thoáng qua tâm trí. Lần đầu tiên sau nhiều tháng giãn cách, cô gái 24 tuổi phải nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề tâm lý có thể nảy sinh do ở nhà quá lâu.
Thanh làm content marketing tự do, ở trọ một mình. Những tháng dịch, nhiều dự án bị hủy song cô vẫn có mức thu nhập đủ sống và không quá lo về chuyện tiền bạc. Vấn đề lớn nhất của một người có tính cách hướng ngoại như Thanh là không được ra ngoài, không gặp gỡ bạn bè và phải xa người yêu dù ở cùng một quận.
Vốn là người sống tích cực, khoảng 2 tháng đầu giãn cách, Thanh vẫn vui vẻ và lạc quan rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc.
Có nhiều thời gian rảnh, cô trang trí nhà cửa, tự nấu ăn và trồng cây. Mỗi ngày, cô đều nhắn tin cho bạn bè để cập nhật tình hình, động viên mọi người cố gắng và hẹn ngày tụ tập.
“Nhưng khi lệnh giãn cách cứ nới dài đến tháng thứ 3, mình bắt đầu cảm nhận tâm trạng đang dần bất ổn. Cả ngày mình cứ như người sống trên mây, không có chút năng lượng nào để làm việc. Có những đêm mình nằm trằn trọc tới sáng, có hôm chỉ ngủ 3-4 tiếng. Mình không tức giận, không lo lắng gì cả, chỉ cảm thấy trống rỗng tuyệt đối”.
Khoảng 2 tuần liền, cô không muốn liên lạc với ai, kể cả người yêu. Chỉ có vài ba lần cô gọi điện về nhà vì sợ cha mẹ lo lắng.
Sau thời gian không thể tự giải quyết tâm trạng bất ổn của mình, Thanh chia sẻ và nhờ bạn bè tư vấn. Hóa ra không chỉ riêng cô mà những người bạn cũng gặp vấn đề tương tự. Họ động viên Thanh cố gắng, buộc cô mỗi ngày đều phải ít nhất một lần cập nhật tình hình để chắc chắn không có chuyện bất trắc nào xảy ra.
“Giờ gần 4 tháng phong tỏa rồi, tâm trạng của mình cũng lên xuống thất thường. Không có cách nào để hết hẳn suy nghĩ tiêu cực, chỉ đành đợi đến lúc được mở cửa ra ngoài thôi”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-mot-minh-voi-4-buc-tuong-suot-4-thang-gian-cach-post1266497.html