Ở một trạm xá nông thôn

Tôi không đi tiếp mà dừng lại ở bờ sông đợi có ai đi ngang qua thì hỏi đường. Trời nhá nhem tối. Bên kia sông, sau lớp cỏ dại mọc lưa thưa là những cánh đồng, mùa gặt đi qua chưa lâu nên trên đồng còn lô nhô cuống rạ.

Chiếc Iphone 13 Pro Max trên tay tôi đã sập nguồn. Tôi không thể mở Google Map xem đường, cũng không có cách nào để liên lạc được với đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ từ thành phố xuống vùng nông thôn này để lấy tin viết bài. Lòng tôi như lửa đốt, cảm giác sợ hãi sượt ngang qua gáy như hồi nhỏ có lần lạc mẹ giữa chợ. Tôi lóng ngóng, đợi một người nào đó đi ngang qua, hoặc hỏi đường, hoặc nhờ dẫn tôi vào nhà dân để xin ngủ một đêm. Tôi có thẻ nhà báo, nhìn tôi cũng “hiền hiền”, chắc xin ngủ nhờ không quá khó.

Cuối cùng thì tôi đã nghe được tiếng người, đúng hơn tiếng kêu la thất thanh sau một tiếng động lớn đập xuống nước, làm tôi hoảng hốt.

- Cầu gãy... Chết tôi rồi!... Có ai không?...

Không chần chừ, tôi tức tốc chạy theo hướng tiếng kêu cứu. Cách chỗ tôi ngồi không xa là một cây cầu khỉ vừa gãy nhịp. Theo quán tính, tôi đặt máy ảnh xuống cỏ rồi lao nhanh xuống nước cứu đứa nhỏ. Tôi không biết bơi. Ngày nhỏ, tôi chết hụt mấy lần nên sợ nước, từ đó, tôi không dám học bơi. Tôi với đứa nhỏ cứ lặn ngụp trên dòng sông trong khi trời đã tối. Tôi càng kêu lớn: “Cứu... Chúng tôi sắp đuối nước rồi!...”. Thằng nhỏ sắp sửa kiệt sức. Tôi gắng sức đưa nó lên khỏi mặt nước.

- Đưa tay đây. Mau lên!

Tôi mừng khi nghe có người đến cứu chúng tôi. Lập tức, tôi nắm lấy bàn tay của người thanh niên đang bơi ra giữa sông đến chỗ chúng tôi. Tôi đẩy thằng nhỏ lại chỗ anh trước, tôi nắm áo anh dốc sức đạp mạnh xuống nước cho đến khi tay tôi quờ quạng chạm được vạt cỏ nước bò ra khỏi bờ sông. Thở dốc.

- Nhanh lên, đưa thằng nhỏ về trạm xá - Người thanh niên nói gọn.

Tay chân tôi run cầm cập. Tôi quơ vội chiếc máy ảnh và ba lô của mình, theo anh về trạm xá. Anh đi trước dẫn đường, thằng nhỏ sau khi được xốc nước ra khỏi miệng đã nằm trên lưng anh ngoan ngoãn, thi thoảng nó hét lên một tiếng vì khi rớt xuống nước hồn vía bay đi mất.

*

* *

Minh họa: Hữu Phương

Minh họa: Hữu Phương

Trạm xá về đêm yên tĩnh. Thằng nhỏ đã ổn nhưng nó có dấu hiệu bị sốt.
Nó nằm trên giường bệnh và ngủ say. Khuôn mặt thằng nhỏ hiền lành, dù da mặt ngăm ngăm lấm tấm sẹo. Tôi đứng ở đầu giường bệnh, vừa lau khô tóc, vừa ngắm nó một lát. Anh bác sĩ đắp thêm khăn ấm lên trán đứa nhỏ rồi quay sang nhìn tôi:

- Cô yên tâm. Đứa nhỏ chỉ bị sốt với sốc nhẹ, không sao đâu. Sáng mai sẽ khỏi.

Tôi nhón người vắt chiếc khăn lên
sợi dây cao hơn đầu mình, chiếc khăn thoang thoảng mùi hương trùng khít với mùi hương tỏa ra trên người anh.

- Tôi không biết cách nào để liên lạc với ba mẹ đứa nhỏ...

- Nhìn thằng nhỏ quen quá, đợi nó tỉnh, tôi sẽ dẫn nó về tận nhà. Xóm này có xa lạ gì với tôi.

Tôi gật đầu. Tôi ngồi lau chùi cái vỏ đựng chiếc máy ảnh, định bụng xem lại số ảnh tư liệu đã chụp hôm nay, nhưng lại thôi. Tôi đang bị cuốn vào căn phòng ngăn nắp trong trạm xá có khuôn viên khá nhỏ này. Nếu không gặp anh, có lẽ tôi không nghĩ đây là căn phòng của một người con trai. Ở bức tường phía đối diện chỗ tôi ngồi là tủ thuốc được xếp gọn gàng, kế đó là kệ sách, bàn làm việc cạnh cửa sổ nhìn ra cánh đồng gió thổi lồng lộng. Trên vách, những dụng cụ y tế thường dùng như ống nghe, máy đo huyết áp,... được mắc cẩn thận. Một bức ảnh mà tôi nhìn thoáng qua đã nhận ra ngay, đó là người thầy thuốc tài ba nhân đức Lê Hữu Trác được anh treo trang trọng trong căn phòng. Anh cười cười bước đến, di di mấy hộp thuốc lúc nãy lấy theo toa cho bệnh nhân còn để ngổn ngang trên bàn.

- Nơi làm việc của anh gọn gàng quá - Tôi ngỏ lời khen - Ở trạm xá này chỉ có mỗi mình anh thôi sao?

- Tôi ở một mình - Anh vừa nói, vừa khóa chốt cửa sổ, gió đập rầm rầm từ lúc nãy.

Trạm xá nằm trên mảnh đất vắng, phía trước vuông sân tráng xi măng là con sông nhỏ, xa xa có cây cầu khỉ bắc ngang qua, lắt lẻo. Sau trạm xá là cánh đồng dài, bác sĩ nói men theo con đường mòn đi vào trong xóm rất nhanh. Đó là đường tắt, không phải vòng vo, quanh co. Ở đây người dân di chuyển chủ yếu bằng ghe, xuồng, chỉ một vài nhà khấm khá mới có xe gắn máy.

Bóng đèn chỗ thằng nhỏ đang ngủ đã được tắt để nó không chói mắt. Ánh sáng lúc này gom lại chỗ bàn làm việc của anh bác sĩ và chiếc giường tôi đang ngồi bó gối vốn là giường của bệnh nhân được bác sĩ “cải trang” thành giường ngủ. Bức tường trên đầu giường có treo một tấm ảnh. Tôi quan sát kỹ bằng “kỹ năng” của một người làm báo chuyên nghiệp hơn chục năm nay. Trong tấm ảnh, tôi nhận ra người thanh niên mặc áo thụng là anh, trên tay anh cầm tấm bằng tốt nghiệp và bó hoa đứng trước cổng Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tôi ngạc nhiên phóng ánh nhìn về phía anh như để hỏi han, dò xét. Người thanh niên này đem đến cho tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

- Anh tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM sao? Tấm bằng đó không quá khó để anh xin được việc làm ở thành phố, việc gì anh phải về đây, nơi u buồn, vắng lặng. Anh không sợ tài năng của mình sẽ bị mai một hay sao?

Tôi hỏi một tràng dài rồi chợt thấy mình hơi quá đáng. Biết đâu bác sĩ sẽ giận vì cái sự hồ hởi, vồ vập của tôi.

Im lặng một lúc, anh nở một nụ cười thật tươi. Nhìn tôi, anh bảo:

- Nếu ai cũng chọn ở lại thành phố thì lấy ai chữa bệnh cho bà con ở vùng quê này, cô! Ở đây yên ắng, buồn bã thật, nhưng hình như tôi chưa bao giờ hối hận khi về xứ này công tác.

Tôi thấy lòng mình rối rắm. Không nhìn gương nhưng tự dưng tôi cảm nhận mặt mình đỏ bừng, nóng hổi. Một chút ngại ngùng len trong tôi. Anh nói đúng: Nếu ai cũng chọn ở lại thành phố thì ai sẽ chữa bệnh cho người dân ở đây, một vùng quê nghèo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vùng quê với những đứa trẻ bảy, tám tuổi vẫn chưa một lần được cắp sách đến trường, với những người già hay đau bệnh. Anh kể với tôi như vậy! Tim tôi trĩu nặng. Vừa hổ thẹn, tôi vừa thương cho bà con nơi này, cho những đứa trẻ, những người phụ nữ chưa một lần biết tô son. Tôi muốn làm điều gì đó cho vùng quê này, dù điều đó tôi chưa hình dung cụ thể.

Đêm sâu hơn. Ngoài cánh đồng văng vẳng tiếng ếch nhái oải oạp, tiếng gió và tiếng nhánh xoài cọ vào mái tôn xao xác. Anh lúi húi đi vào trong bếp, một lúc sau, anh lễ mễ bưng ra dĩa khoai luộc còn nóng. Bụng tôi đã cồn cào từ nãy.

- Khoai mì luộc, ngọt lắm, cô ăn đi! Khoai tôi trồng ở cái giồng cạnh bên trạm y tế, đất tốt nên củ nào cũng to, bột lắm!

Anh bẻ một củ đưa cho tôi. Tôi đón lấy củ khoai, bẻ một miếng vừa vặn cho vào miệng.

- Khoai ngon quá! Cuộc sống bình yên quá! Tôi cũng thèm được bình yên giống anh.

Bác sĩ cười, tiếng cười giòn giã vang cả căn phòng vắng.

- Không phải ai cũng có thể chịu được cuộc sống này đâu nhà báo ạ! Bình yên thì có, nhưng vất vả cũng nhiều.

Anh kể cho tôi nghe có khi nửa đêm anh nghe tiếng đập cửa gấp rút. “Nhà có người bệnh, bác sĩ làm ơn giúp tôi với!”. Anh tức tốc xách chiếc cặp đựng đầy đủ dụng cụ, thuốc men để sẵn ở góc phòng theo vào trong xóm. Họ đón anh bằng xuồng, hoặc nếu đường dễ đi, không cầu khỉ cách ngăn đôi bờ, anh sẽ tự chạy chiếc Dream cũ mua lại từ hiệu cầm đồ ngoài chợ tỉnh hồi mới về đây công tác. Giấc ngủ dở dang. Nhưng điều đó lại làm anh vui. Anh vẫn nhớ như in lời thề Hippocrates, một đời cống hiến cho sự nghiệp chữa bệnh, cứu người. Anh chấp nhận mọi gian nan, từ bỏ mọi cơ hội quý giá ở thành phố để về vùng nông thôn hẻo lánh này. Bà con cần anh, nơi này cần anh. Mỉm cười hạnh phúc, anh nói:

- Cô biết không, mỗi lần gặp tôi trồng rau, phát cỏ hay đi vào trong xóm hỏi thăm tình hình sức khỏe của một bệnh nhân nào đó, bà con đều gật đầu chào,
có con cá, bó rau,... họ đều gửi biếu tôi. Tôi không nỡ từ chối. Quà quê đơn giản mà vui cô ạ! Tôi thấy mình hạnh phúc khi sống trong sự yêu thương và tôn trọng của bà con xóm nghèo. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ với tôi rồi! Cần gì phải làm việc ở một bệnh viện sang trọng với mức lương vài chục triệu mỗi tháng, phải không cô?

Anh lại cười. Nụ cười của anh bất giác làm tôi xốn xang. Nụ cười để lộ những chiếc răng trắng đều như hạt bắp với chiếc răng khểnh xinh xinh.

Ngày mai tôi về lại thành phố. Anh hứa sẽ dẫn tôi ra tỉnh, nơi tôi sẽ gặp lại đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ mà tôi đã lạc hồi chiều. “Tôi chỉ đi với cô một buổi thôi, trưa tôi lại về trạm xá, tôi sợ có bệnh nhân đến tìm nhưng không thấy”, anh nói vậy, thẳng thắn, nửa thật, nửa đùa. Tôi hiểu một người có trách nhiệm với nghề như anh sẽ luôn xuất hiện mỗi khi người dân cần đến.

*

* *

Nhưng trong tim tôi vẫn còn luyến lưu chốn này, nhất là cái trạm xá nghĩa tình nơi vị bác sĩ trẻ này đang công tác.

Đêm đã khuya. Bóng cây lòa xòa. Màn đêm đặc quánh phủ trùm xuống vùng nông thôn nghèo, chỉ còn sót lại ánh sáng từ bóng đèn nhỏ trong trạm xá bên bờ sông vắng.

Tôi nằm trằn trọc. Nghĩ về anh. Về trạm xá. Nghĩ về mình, một nhà báo đã từng đi nhiều nơi, từng quyến luyến nhiều miền quê đẹp nhưng hình như chưa có chốn nào để lại trong tôi nhiều cảm xúc như nơi đây. Ngày mai, tôi sẽ về thành phố, sẽ rời xa xóm nhỏ và từ biệt anh, một cuộc giã biệt không biết khi nào gặp lại. Tự dưng tim tôi nhoi nhói. Anh đã ngủ say, nhường hẳn cho tôi chiếc giường mà đêm nào anh cũng ngả lưng, bác sĩ ngủ cạnh đứa nhỏ trên chiếc giường chật hẹp. Hơi thở của anh đều đều làm âm ấm không gian.

*

* *

Trời hửng sáng. Tôi đứng dậy, đẩy cánh cửa và bước ra bên ngoài. Anh bác sĩ đã thức dậy từ sớm, chăm chỉ bắt sâu, tưới nước cho đám cải xanh bên khoảng đất trống cạnh trạm xá. Tôi đứng nhìn anh. Bóng anh lúi cúi, nhỏ bé giữa bình minh đỏ rực. Anh không nhìn thấy tôi, chỉ có tôi đứng lặng nhìn về phía anh. Con người ấy đã mang đến sức sống mới cho vùng quê này.

- Cô đã dậy rồi sao? Tôi định để cô ngủ thêm chút nữa. Cô ngủ có ngon không?

Tôi vươn vai, giả bộ làm mấy động tác thể dục trước trạm xá nhưng mắt vẫn chăm chú nhìn về phía anh.

- Tôi ngủ ngon lắm! Chắc tại hôm qua đuối nước...

- Ừ, không sao là tốt rồi! Mấy giờ cô sẽ rời đây, đợi thằng nhỏ thức, tôi và cô sẽ đưa nó vào trong xóm rồi chúng ta ra chợ tỉnh.

Tôi định nói với anh “Bảy giờ”, nhưng có cái gì ngăn lại ở cổ họng tôi, nghèn nghẹn. Tôi lắc đầu, nói vội:

- Tôi nhớ ra mình còn một vài việc cần ở lại xóm này. Anh cho tôi ở “ké” chứ?

- Tôi rất sẵn lòng. Cô muốn ở lại bao lâu cũng được. Anh đáp gọn, bằng một giọng hiếu khách.

Thật ra thì tôi cũng không biết mình ở lại để làm gì. Lấy tin và viết bài về anh, về cái xóm nhỏ này, hay đi tìm một hoàn cảnh khó khăn nào đó để làm chất liệu sáng tác,... Tôi chưa định hình kịp. Nhưng nhất định tôi sẽ ở lại. Vì một điều sâu thẳm và ý nghĩa hơn nữa.

Mặt trời đã lên. Tôi lấy điện thoại nhắn tin cho trưởng đoàn.

Trong lúc ngồi trò chuyện với thằng nhỏ, tôi bỗng nghe anh khe khẽ hát.../.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/o-mot-tram-xa-nong-thon-a130987.html