Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?

Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là truyền thống lâu đời của người Việt. Nhiều người thuê nhà đang phân vân liệu có phải thực hiện nghi lễ này hay không?

Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo?

Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ làm lễ tiễn ông Công ông Táo về chầu Ngọc Hoàng để báo cáo những việc trong năm vừa qua, trong đó có chuyện của gia đình gia chủ.

Dù lễ cúng ông Công, ông Táo có sự khác biệt giữa 3 miền nhưng nhìn chung mọi người thường chuẩn bị một mâm lễ vật đủ đầy, trang trọng và chu đáo để cầu mong một năm mới sung túc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tổ chức tại gia đình, bởi thực tế hiện nay có rất nhiều người rời quê hương đến những thành phố lớn làm việc nên phải sống trong những căn nhà thuê, hoặc phòng trọ. Do đó, rất nhiều người thắc mắc rằng ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?

Nhiều người quan niệm rằng với những nhà đi thuê thì không nhất thiết phải cúng dịp 23 tháng Chạp vì như vậy chỉ tốt cho gia chủ.

Ảnh minh họa/ Nguồn: Ngô Tuyết Mai

Ảnh minh họa/ Nguồn: Ngô Tuyết Mai

Các chuyên gia phong thủy cho rằng chuyện thờ cúng là tùy tâm mỗi người. Nếu hoàn cảnh cũng như điều kiện không cho phép, người thuê nhà không nhất thiết phải cúng ông Táo, nhất là khi chủ nhà cho thuê đã làm lễ cúng cho nhà của mình.

Còn nếu các hộ gia đình hoặc các bạn sinh viên có điều kiện thuê một căn nhà riêng mà không ở chung với chủ nhà thì đến ngày 23 tháng Chạp nên làm lễ cúng.

Với những gia đình đi thuê, mọi người khi cúng Táo quân cũng không cần quá cầu kỳ, miễn sao thể hiện sự thành tâm của gia chủ với các vị thần cai quản đất đai và thần cai quản nhà bếp.

Tùy vào quan niệm dân gian, mỗi vùng miền đều có những lễ vật khác nhau… việc cúng ông Táo cũng có những khác biệt. Ở miền Bắc thường cúng lễ ở ban thờ gia tiên để tạ ơn cả thần linh và các Táo quân. Người dân còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước với ngụ ý cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Sau khi cúng cá sẽ được phóng sinh.

Lễ cúng Táo quân ở miền Nam nhà nào cũng có ban thờ trên bếp, khi cúng Táo trong bếp thường bật bếp để cúng, với ý nghĩa no ấm. Người dân thường cúng ông Công ông Táo về buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20h đến 23h. Họ quan niệm rằng thời điểm cuối ngày khi cả gia đình dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng. Người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ...

Mặc dù lễ vật và cách cúng ở mỗi miền có thể khác nhau, nhưng các chuyên gia phong thủy khuyên, các gia đình cần cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Sau khi cúng Táo quân xong, các Táo đã lên chầu trời thì từ đó tới 30 Tết gia chủ tiến hành dọn dẹp, bao sái ban thờ bằng nước gừng ngâm rượu hoặc nước ngũ vị hương rồi bày biện đồ cúng lễ mới lên ban thờ để chuẩn bị đón Tết.

Đối với các cửa hàng kinh doanh không liên quan đến nấu nướng thì không cần cúng ông Táo. Bởi Táo quân là vị thần cai quản việc bếp núc, nếu cửa hàng không có bếp, không có vị Táo quân ngự ở đó thì cũng không cần cúng ông Công ông Táo.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/o-nha-thue-co-can-cung-ong-cong-ong-tao-khong-d204058.html