Ô nhiễm đến từ nơi... xử lý rác!
Công nghệ lạc hậu, chôn lấp sơ sài là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại các bãi rác ở tỉnh Nghệ An, khiến bao người phải sống chung với ô nhiễm
Những ngày đầu tháng 3 này, dù Nhà máy Xử lý rác thải Seraphin (tại xã Hưng Đông, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã dừng hoạt động 10 năm nay nhưng rác thải đủ loại vẫn để đó, chất từng đống cao như núi và gần khu dân cư đông đúc.
Bỏ quên mấy chục ngàn tấn rác
Bãi rác cao vút tại Nhà máy Xử lý rác thải Seraphin đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân xã Hưng Đông và Nghi Kim. Theo người dân, mùa nắng thì xảy ra tình trạng khói bụi do bãi rác thường xuyên xảy ra cháy. Mùa mưa thì nước bẩn từ bãi rác chảy tràn ra ruộng sản xuất, các khu dân cư. Lo ngại nhất là nước bẩn tồn đọng lâu ngày ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Ông Trần Văn Lai, trú xã Nghi Kim, bức xúc: "Ngày nhà máy ngừng hoạt động, người dân cả xã ai cũng vui mừng vì nghĩ bãi rác sẽ được dọn đi, không còn phải sống với nỗi lo sợ ô nhiễm. Ai ngờ, nhà máy dừng hoạt động cả chục năm nay mà "núi rác" vẫn nằm nguyên đấy. Cứ đà này không biết đến năm nào người dân mới hết cảnh sống chung với ô nhiễm".
Theo tìm hiểu, Công ty CP Công nghệ môi trường Seraphin được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê hơn 30.000 m2 đất có vị trí tiếp giáp với bãi rác Đông Vinh để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Do gây ô nhiễm môi trường nên vào tháng 1-2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu Nhà máy Xử lý rác thải Seraphin chấm dứt hoạt động. Sau khi dừng hoạt động, công ty để lại khoảng 84.000 tấn rác tồn đọng nhưng vẫn được UBND TP Vinh thanh toán 41 tỉ đồng chi phí xử lý rác thải.
Được biết, từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần ban hành các văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Vinh và Công ty Seraphin về việc xử lý rác thải tồn đọng tại Nhà máy Xử lý rác thải Seraphin. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu năm 2024, số rác thải trên vẫn chưa được di dời.
Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, cho biết: "Bãi rác ngừng hoạt động cả chục năm nay nhưng vẫn còn một lượng lớn rác chưa được chuyển đi. Rác tồn đọng gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của rất nhiều hộ dân. Xã đã không biết bao nhiêu lần kiến nghị di dời số rác trên nhưng vẫn chưa được giải quyết".
"Ngốn" cả trăm tỉ đồng vẫn gây ô nhiễm
Tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, bãi rác phường Long Sơn gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều người dân. Thực tế trên kéo dài hàng chục năm nay khiến người dân bức xúc. Để giải quyết dứt điểm các hệ lụy về môi trường từ bãi rác, UBND thị xã Thái Hòa đã mở rộng bãi rác theo thiết kế được duyệt trước đây (năm 2012), đã tiến hành kêu gọi Công ty CP Năng lượng và Môi trường Việt Nam đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải Thái Hòa tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa. Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 7,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 146 tỉ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà sau nhiều năm, hiện dự án thiết thực này vẫn chưa được triển khai.
Tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghi Yên được đầu tư khoảng 100 tỉ đồng, có diện tích 53 ha, đi vào hoạt động năm 2012. Đây là nơi thu nạp, xử lý rác thải cho khu vực TP Vinh, thị xã Cửa Lò (huyện Nghi Lộc) và một phần huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn với công suất xử lý mỗi ngày 300 tấn rác thải rắn.
Kể từ khi đưa vào sử dụng, Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghi Yên được quảng cáo đầu tư xây dựng theo công nghệ châu Âu đã gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn người dân. Do ô nhiễm từ Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghi Yên, 50 hộ dân cách khu liên hợp trong phạm vi 500 - 600 m cần phải di dời. Khoảng 160 hộ dân (gần 700 khẩu) trong phạm vi 1 km quanh khu liên hợp bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đã phải bỏ ra trên 130 tỉ đồng để bồi thường, bố trí tái định cư cho người dân.
Bà Trương Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc, cho biết: "Huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan nhiều lần kiểm tra tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã xử phạt hành chính nhiều lần nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết triệt để".
Theo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An - đơn vị vận hành Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghi Yên, khu xử lý rác thải Nghi Yên đến nay đã vận hành hơn 10 năm, việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp. Do công nghệ xử lý không phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu nên có hiện tượng rò rỉ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đời sống người dân. Hiện tại, công ty đang cố gắng thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm.
Ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết việc thực hiện xử lý rác thải theo kiểu chôn lấp tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghi Yên nay không còn phù hợp, các ô chôn lấp tại bãi rác đã đầy. Hiện tỉnh Nghệ An đang kêu gọi nhà đầu tư có công nghệ hiện đại vào để xử lý rác hiệu quả, khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Các bãi chôn lấp quá tải
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 15 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, trong đó có 13 bãi chôn lấp chất thải rắn và 3 nhà máy xử lý chất thải rắn. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh phát sinh hơn 1.700 tấn/ngày, trong đó, đô thị trên 1.000 tấn, nông thôn trên 700 tấn/ngày.
Hầu hết các bãi chôn lấp rác ở Nghệ An đang trong tình trạng quá tải, lượng rác thải chưa được xử lý tồn đọng nhiều ngày, phát sinh những vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/o-nhiem-den-tu-noi-xu-ly-rac-196240314212039532.htm