Tảng băng trôi lớn nhất thế giới có thể va vào hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương

A23a, tảng băng trôi lớn nhất thế giới được ghi nhận, đang di chuyển từ Nam Cực về phía đảo Nam Georgia, gây lo ngại về tác động tiềm tàng lên hệ sinh thái và tàu thuyền tại khu vực này.

Theo các nhà khoa học, tảng băng rộng 3.672 km2 – lớn hơn gấp đôi diện tích London – từng mắc kẹt hơn 30 năm tại đáy biển Weddell của Nam Cực trước khi bắt đầu trôi tự do theo dòng hải lưu.

Andrew Meijers, nhà hải dương học vật lý thuộc Cục Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết tảng băng đã di chuyển vào một khúc quanh của dòng hải lưu, hướng về Nam Georgia. Ông nhận định: "Hiểu biết của chúng tôi cho thấy nó có khả năng sẽ sớm quay lại tiến về phía hòn đảo".

 Ảnh vệ tinh của A23a ở Nam Cực được chụp vào tháng 11/2023. Ảnh: Liên minh Châu Âu/Copernicus Sentinel-3

Ảnh vệ tinh của A23a ở Nam Cực được chụp vào tháng 11/2023. Ảnh: Liên minh Châu Âu/Copernicus Sentinel-3

Người dân địa phương và thuyền viên tại khu vực đang theo dõi sát sao tình hình. Thuyền trưởng Simon Wallace từ tàu Pharos của chính quyền Nam Georgia cho biết ông luôn bật đèn pha vào ban đêm để phát hiện băng trôi do chúng có thể xuất hiện bất ngờ.

Được tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne vào năm 1986, A23a đã trôi theo dòng hải lưu sau khi giảm kích thước đủ để thoát khỏi đáy biển. Vào tháng 12 vừa qua, tảng băng trôi khỏi khu vực mắc kẹt cũ tại cột Taylor, nơi dòng nước xoáy do va chạm với ngọn núi ngầm giữ nó trong nhiều tháng.

Dù các nhà khoa học dự đoán A23a sẽ vỡ ra khi gặp nước ấm, đến nay, tảng băng vẫn giữ nguyên cấu trúc và chưa phân rã thành các mảnh nhỏ hơn như các "siêu tảng băng trôi" trước đó.

Meijers cảnh báo nếu A23a mắc kẹt tại thềm lục địa của đảo, nó có thể cản trở hải cẩu và chim cánh cụt tiếp cận bãi kiếm ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái địa phương.

Mark Belchier, giám đốc ngành thủy sản và môi trường của chính quyền Nam Georgia, nhấn mạnh rằng các tảng băng trôi như A23a phổ biến tại khu vực nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Tác động lên động vật hoang dã, nếu có, được dự đoán sẽ chỉ mang tính cục bộ và tạm thời.

Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng sự tách rời của tảng băng có thể là một phần của chu kỳ tự nhiên của thềm băng, không liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang thúc đẩy nhiều thay đổi đáng lo ngại tại Nam Cực, với nguy cơ mực nước biển dâng gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn thế giới.

Ngọc Ánh (theo CNN, BBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-bang-troi-lon-nhat-the-gioi-co-the-va-vao-hon-dao-o-nam-dai-tay-duong-post331820.html