Giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn
Chiều 14-11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị 'Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam'.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông...
Ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động đỏ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan chủ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ, nhằm bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Bộ TN&MT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và gần đây là Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Những quy định này, cùng Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng tới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là hệ quả của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Trong vòng 10 năm qua, tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 đã gia tăng đáng kể tại các thành phố lớn. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy khẳng định, ô nhiễm không khí không bị giới hạn bởi địa giới hành chính và không phải trách nhiệm riêng của bất kỳ bộ, ngành, hay địa phương nào. Bảo vệ không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hiện là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Hiện tại, Hà Nội có dân số hơn 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 40%. Thành phố có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể đến tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên - các nguồn phát thải lớn, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Trước tình hình này, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp, như loại bỏ hơn 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ở ngoại thành, loại bỏ hàng trăm lò gạch thủ công... Thành phố cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm tra khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, giám sát các công trình xây dựng và thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình phát triển theo hướng kinh tế xanh, đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải cacbon và nâng cao chất lượng sống, góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải bằng “0” vào năm 2050. Với quyết tâm này, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định tiêu chí và thủ tục xác định vùng phát thải thấp, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm và đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Tại hội nghị, đại diện của 12 bộ, ngành; thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đại diện 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và gần 20 chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ô nhiễm không khí tham gia. Hội nghị đã tập trung chia sẻ các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý chất lượng không khí, bao gồm: Hiện trạng và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam; kết quả triển khai quản lý chất lượng không khí tại các bộ, ngành và địa phương theo phân công của Thủ tướng Chính phủ; bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong quản lý và cải thiện môi trường không khí; những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quản lý chất lượng không khí; các giải pháp mang tính đột phá, khả thi nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn.
Nhiều giải pháp cấp bách
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng do tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, Hà Nội đề xuất Bộ TN&MT xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong trao đổi dữ liệu về ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, đề nghị triển khai Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 và Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch quan trắc và bảo vệ môi trường quốc gia, hướng dẫn các tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng không khí và các kịch bản ứng phó khi có ô nhiễm nghiêm trọng.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội mong muốn sớm trình lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Đối với Bộ Công an, đề nghị tăng cường kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho việc thu thập, kiểm định khí thải để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về khí thải gây ô nhiễm không khí.
Còn Bộ Xây dựng, đề nghị chỉ đạo các Tổng Công ty thuộc Bộ đầu tư và chuyển đổi sang sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, thay thế các vật liệu nung truyền thống, góp phần giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường không khí.
Hội nghị đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí.
Trong đó, nhóm giải pháp về chính sách gồm có thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; cho vay, hỗ trợ chuyển đổi xanh.
Nhóm giải pháp kỹ thuật như chuyển đổi công nghệ của nhà máy nhiệt điện theo hướng sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị.
Nhóm giải pháp về quản lý, trong đó có phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm; kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng; nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn.
Giải pháp về nguồn lực, kinh tế như đầu tư biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường.
Nhóm giải pháp về truyền thông, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-tai-cac-do-thi-lon-684503.html