Ô nhiễm môi trường phía Tây sông Đáy: Khi nào khắc phục xong?

Công tác bảo vệ môi trường khu vực phía Tây sông Đáy của tỉnh Hà Nam đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với tỉnh này. Hàng chục doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường tạo nên những bức xúc đối với nhân dân trên địa bàn. Bởi vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện và các địa phương cần quyết liệt vào cuộc, gìn giữ môi trường sống cho người dân.

Khu vực bờ tây sông Ðáy của tỉnh Hà Nam có trữ lượng khoáng sản lên đến hàng triệu mét khối thuộc 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Huyện Thanh Liêm có diện tích đá vôi với trữ lượng lớn hàng trăm nghìn mét khối, phân bố dọc tuyến phía Tây sông Ðáy chạy dài qua 6 xã, được UBND tỉnh Hà Nam quyết định là vùng quy hoạch trọng điểm phát triển công nghiệp.

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường trong khu vực Tây sông Đáy có nhiều điểm đáng báo động. Theo phản ánh của nhân dân sống tại các xã: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị và thị trấn Kiện Khê của huyện Thanh Liêm; xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất xi-măng và nhà máy khai thác, chế biến đá cho thấy: Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất xi-măng, hoạt động cầu cảng, máng rót trái phép và các xe vận chuyển vật liệu chở quá tải, làm rơi vãi vật liệu ra đường, gây bụi, tiếng ồn... làm bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Được biết, hiện nay, khu vực này có hơn 200 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận tải hàng hóa đang hoạt động. Trong đó, 5 nhà máy sản xuất xi-măng, 42 cơ sở khai thác đá và chế biến khoáng sản; 4 cơ sở sản xuất bê-tông aphan; 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; 14 cơ sở sản xuất bột đá, cát nhân tạo và nhiều cầu, bến, máng rót với hàng nghìn phương tiện cơ giới chuyên dùng cho hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu xây dựng hoạt động suốt ngày đêm.

Nhiều đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đức Phương

Nhiều đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đức Phương

Các nhà máy sản xuất, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng ở gần khu dân cư đã có tác động rất lớn đến môi trường và đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân thuộc các xã vùng ven phía Tây sông Ðáy. Năm 2019, tại huyện Thanh Liêm đã xảy ra một số vụ việc khiến nhân dân bức xúc, có đơn thư kiến nghị. Liên quan việc nổ mìn, ngày 3/10/2019, Chi nhánh công nghiệp hóa chất mỏ Hà Nam nổ mìn khai thác đá với khối lượng lớn đã làm rung chấn, nứt nhà cửa, vật kiến trúc của gần 200 hộ dân thôn Nham Kênh, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm. Ngay sau sự việc, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các ngành tích cực phối hợp Sở Công Thương, Chi nhánh công nghiệp hóa chất Hà Nam và xã Thanh Nghị kiểm tra thực địa, lập biên bản, giải quyết bồi thường kịp thời cho 189 hộ dân bị ảnh hưởng. Hay vụ việc đêm 3/7/2019, hàng trăm người dân thôn Lâm Sơn, thị trấn Kiện Khê đã dùng xe ô tô chở đất đá, dùng thùng container để lấp, bịt cổng ra vào không cho một DN sản xuất thạch cao hoạt động vì ảnh hưởng môi trường không khí, môi trường nước.

Cùng với việc tập trung giải quyết tốt các bức xúc, kiến nghị của nhân dân, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tăng cường các giải pháp tổng thể hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Ðáy. Cụ thể là việc thực hiện Đề án 2617/ĐA-UBND tỉnh Hà Nam về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Ðáy đạt được một số kết quả nhất định, tình trạng ô nhiễm bụi tại một số khu vực trọng điểm đã giảm, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp từng bước được kiểm soát.

Tỉnh Hà Nam cần tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các đơn vị liên quan và các DN tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường theo Đề án 2617/ĐA-UBND đã được phê duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; tăng cường sử dụng các biện pháp trinh sát, nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Đức Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/o-nhiem-moi-truong-phia-tay-song-day-khi-nao-khac-phuc-xong-n169150.html