Ô nhiễm nhựa: Giải pháp từ việc thực thi pháp luật môi trường
Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã và đang nghiêm túc xây dựng, thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến ô nhiễm nhựa - một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu hiện nay.
Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
“Thế giới đang chờ đợi một hiệp ước mới nhằm dẫn dắt các hành động, cũng như định hướng hợp tác quốc tế quan trọng để mang lại một tương lai không ô nhiễm nhựa”, phát biểu của ông Luis Valdivieso - Chủ tịch Ủy ban đàm phán quốc tế của Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc tại Phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa diễn ra tại Ottawa, Canada. Phiên họp có sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm tiến tới hoàn tất thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu loại bỏ ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay.
Dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam tại phiên họp, ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác đều ủng hộ việc thiết lập một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.
Sau ba phiên đàm phán trước, các thành viên mới chỉ đưa ra được bản dự thảo về một thỏa thuận chung nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa, tuy nhiên có thể chưa phản ánh hết được các mong muốn cũng như quan điểm của tất cả các bên tham gia. Tại phiên họp này, lần đầu tiên các nước thành viên chính thức đàm phán nội dung của thỏa thuận.
Tham gia phiên đàm phán, Đoàn Việt Nam đưa ra quan điểm thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa cần bao gồm trách nhiệm của các quốc gia phù hợp với trình độ và năng lực phát triển của họ về tài chính, công nghệ hay năng lực. Đồng thời để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán ở phiên này cũng như phiên tiếp theo, cần phải có những đánh giá cụ thể về tác động trong tương lai khi tham gia thỏa thuận. Ngoài những tác động môi trường, còn có những tác động về kinh tế hay tác động tới sinh kế của người dân.
Khoảng cách giữa chính sách và thực thi
Nhằm khẳng định sự đồng hành của Việt Nam trong các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm nhựa, những năm qua Đảng và Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý quan trọng liên quan đến rác thải nhựa. Bao gồm việc đưa ra các quy định, điều điều khoản riêng về rác thải nhựa và vi nhựa, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được thực thi từ 1/1/2024 với hai trách nhiệm gồm thu gom, xử lý chất thải và tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải, quy định EPR mở ra bước ngoặt trong việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa hiện nay.
Sắp tới, theo Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Dù đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tuy nhiên việc phân loại rác đến nay vẫn chưa hiệu quả và còn nhiều bất cập.