Ô nhiễm ở làng nghề đúc đồng Đại Bái: Bắc Ninh ra tối hậu thư
Thời gian qua, làng nghề đúc đồng Đại Bái ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) phát sinh thêm hoạt động tái chế phế liệu nhôm, tẩy rửa kim loại không qua xử lý dẫn tới 'bức tử' môi trường.
Bức tử môi trường
Theo tìm hiểu, làng nghề Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) có từ rất lâu đời, hoạt động trên 300 năm, nổi tiếng với các nghề chính: Đúc đồng, đúc nhôm và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, làng nghề Đại Bái có 2.326 hộ, trong đó có: 461 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ; 184 hộ đúc nhôm, đồng; 26 hộ chuyên cô đúc tái chế phế liệu.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
Từ năm 2002, cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái được xây dựng với diện tích 6,2 ha do UBND xã Đại Bái quản lý, có 75 hộ sản xuất. Tuy vậy, theo rà soát của cơ quan chức năng, làng nghề và cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái không có khu xử lý nước thải tập trung; không có khu xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất cô đúc tái chế nhôm, đồng; không có hệ thống tự xử lý nước thải.
Cả làng nghề và cụm công nghiệp có 132 hộ xây dựng 170 ống khói với chiều cao trung bình từ 7 - 22m để xử lý khí thải. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Bình Lương Trung Hậu cho biết, số lượng ống khói tăng hơn con số thống kê của thôn, xã - vào khoảng 200 ống khói.
"Theo ghi nhận, thời gian qua, làng nghề này phát sinh thêm một số nghề mới, trong đó đáng lưu ý là hoạt động cô đúc, tái chế phế liệu nhôm, đồng, hoạt động tẩy rửa kim loại. Quá trình hoạt động không đảm bảo về môi trường, chất thải từ hoạt động này lớn, không được xử lý, xả thẳng vào môi trường, là căn nguyên chính gây ô nhiễm" - ông Hậu thông tin.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Bình kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất tại làng nghề
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Gia Bình đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành do 2 Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình làm Trưởng đoàn. "Qua 3 ngày đi kiểm tra, về mặt tinh thần chung các hộ dân đã được tuyên truyền và hiểu rõ về mục đích của việc kiểm tra là làm sạch môi trường để trả lại môi trường trong lành, bền vững đưa hoạt động của làng nghề về đúng bản chất là gò, đúc đồng của bà con ngày xưa, truyền thống. Trong quá trình đi làm, bà con rất phối hợp cùng đoàn công tác của huyện, tự nguyện tháo dỡ công trình".
Phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, cùng đoàn công tác liên ngành đã trực tiếp đi kiểm tra cơ sở sản xuất của hộ ông Hoàng Văn Nghiệp, nhưng chủ cơ sở vắng mặt. Vợ chủ xưởng sản xuất cho biết, lò đốt của gia đình chạy bằng điện để sản xuất các sản phẩm gia dụng mạ đồng và hiện đã dừng hoạt động.
Qua kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sở sản xuất, UBND huyện Gia Bình đã gửi thông báo yêu cầu cơ sở dừng ngay mọi hoạt động sản xuất, đồng thời tự tháo dỡ lò đốt, hệ thống ống khói xong trước 17h ngày 26/3, đồng thời yêu cầu ngành điện cắt điện 3 pha đối với chủ hộ sản xuất.

Hiện nay, đã có hơn 100 cơ sở, hộ sản xuất tự nguyện thực hiện tháo dỡ lò đốt và ống khói, trong đó, 56 cơ sở đã tháo dỡ xong toàn bộ, các hộ còn lại cam kết tự tháo dỡ trong thời gian 03 ngày tới

Công nhân tiến hành tháo dỡ lò đốt
Bắc Ninh ra tối hậu thư
Hiện UBND huyện Gia Bình tiếp tục khẩn trương kiểm tra tại các cơ sở sản xuất tại làng nghề Đại Bái, sau đó sẽ kiểm tra các cơ sở trong Cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái.
"Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có yêu cầu tới 15/4 phải xử lý xong toàn bộ các vi phạm đang phát sinh trong làng nghề và trong cụm công nghiệp Đại Bái. Với huyện, chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành sớm hơn, dự kiến khoảng 10/4 hoặc sớm hơn nữa" - ông Hậu nhấn mạnh.
Hiện theo thống kê, khu chuyển đổi trang trại và nuôi trồng thủy sản ở xã Đại Bái đã có 20 hộ xây dựng lò tái chế kim loại trái phép, toàn xã có 40 hộ xây dựng lò tái chế trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư.

Khu xử lý và khu sản xuất tạm bợ, không được đảm bảo

"Trong năm 2023-2024, chúng tôi đã cưỡng chế một số trường hợp, công trình xây dựng quy mô khá lớn, có những công trình phải tính tiền tỷ. Qua việc cưỡng chế năm ngoái, cùng với sự vào cuộc quyết liệt năm nay, chúng tôi nhận được sự đồng tình lớn của bà con nhân dân để lập lại trật tự kỷ cương cũng như đem lại cuộc sống trong lành cho bà con" - ông Hậu thông tin.
Nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất ở làng nghề Đại Bái duy trì hoạt động sản xuất là do nhận thức của bà con nhân dân vẫn duy trì làm từ trước tới nay và chưa bị xử lý. Bên cạnh đó, mục đích lợi nhuận, người ta bất chấp việc xử lý hành chính đơn thuần.

Hệ thống xử lý khí thải, nước thải "lạc hậu" tại các cơ sở sản xuất
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu huyện Gia Bình triển khai ra quân quyết liệt, đồng bộ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết lập hồ sơ khởi tố đối với vi phạm nghiêm trọng, tái vi phạm ở làng nghề Đại Bái, xã Đại Bái.
Cùng với đó, rà soát, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi tiếp tay, buông lỏng quản lý. Từ nay đến ngày 15/4, phải xử lý toàn bộ cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại xã Đại Bái; các cơ sở không đủ điều kiện hoạt đông về đất đai, xây dựng, môi trường, an toàn điện, phòng cháy... phải dừng hoạt động.