Ô nhiễm trong lòng thành phố
Khi mua đất làm nhà ở cứ ngỡ nơi đây có cơ sở hạ tầng và môi trường sống tốt, nào ngờ càng sống thấy thất vọng vì ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm trong lòng thành phố
Thất vọng
Chúng tôi đến Tổ tự quản 11, khu phố 1, thuộc Khu dân cư Phú Tài – Phú Trinh, TP. Phan Thiết vào một chiều sau những ngày mưa lớn. Nơi đây nằm sau lưng Trường tiểu học Phú Trinh 1, phường Phú Trinh thuộc dự án đất nền của Công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Bình Thuận. Cũng nơi này trước đây chúng tôi nghe nhiều kiến nghị của người dân xung quanh tình trạng ồn ào, bụi bặm từ một cơ sở kinh doanh vật liệu trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Những tưởng vấn đề đã được giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa, người dân tiếp tục gửi đơn kiến nghị.
Ngoài việc ồn ào, ô nhiễm từ cơ sở vật liệu xây dựng, hệ thống thoát nước trên tuyến đường nhựa đấu nối từ đại lộ Lê Duẩn vào khu dân cư bị tắc nghẽn. Mưa xuống nhiều gia đình phải “bắc cầu” vào nhà bằng cách kê gạch hoặc miếng gỗ, thậm chí có gia đình mua đá dăm đổ trước nhà. Bác sĩ Phạm Thái Hồ bức xúc: Thực sự rất khó chấp nhận khi quanh năm phải hứng chịu mùi hôi thối, ồn ào. Nước từ hố ga trào lên, gặp mưa xuống không thoát, tuyến đường luôn trong tình trạng tù đọng, đóng rong rêu gây muỗi mòng, mất vệ sinh. Phải mua đá dăm đổ trước nhà, thuận tiện đi lại và đỡ hôi thối. Ông cho biết: Khi nào người của bên công trình đến sửa chữa hệ thống thoát nước thì sẽ hốt dọn. Cả tuyến đường nhếch nhác, nếu không sớm sửa chữa hệ thống thoát nước, nước đọng lâu ngày thì đường sẽ xuống cấp với ổ voi, ổ gà.
Mùi hôi nước tù đọng, chưa kể mùi hôi thối từ các cơ sở chăn nuôi heo, bò, buôn bán nhôm mủ. Bò chăn thả, xả thải khắp khu dân cư, cuộc sống người dân ở đây như bị tra tấn, rồi hệ thống chiếu sáng không có. Trước cảnh khổ, hàng chục hộ dân trong tổ tự quản đã đồng ký đơn gửi UBND TP. Phan Thiết, UBND phường Phú Tài và Công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Bình Thuận đề nghị quan tâm. Nhiều người trong số họ cho biết, khổ nhất là tình trạng ồn ào, ô nhiễm từ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Làm việc cả ngày có được giấc nghỉ trưa mà cứ rầm rầm, nhà cửa bám bụi... Tình trạng làm nảy sinh những va chạm, lời qua tiếng lại giữa nhân viên cơ sở bán vật liệu và người dân, gây bất ổn khu dân cư. Chị N.C.L cho biết: Trước kia khi mua đất ở đây để làm nhà ở thì thấy khu vực này đẹp, đường rộng thoáng mát... địa điểm bán vật liệu xây dựng là 1 ao nước, nhưng bây giờ không còn như những gì mình nghĩ, phức tạp không thể chịu nổi. Nhiều lúc muốn bán nhà đi nơi khác ở.
Gõ cửa ngành chức năng
Không chỉ làm đơn gửi đến cơ quan chức năng, người dân trong tổ tự quản còn kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nơi có lãnh đạo nhiều cấp tham gia và trả lời ý kiến. Nhưng cũng chưa thấy cơ quan có liên quan nào đến giải quyết. Một trong số hộ dân nói: Cảm thấy thất vọng, bây giờ chỉ còn cách, bán nhà đi nơi khác hoặc là sống chung số phận. Bà Phạm Thị Hà Lương – Tổ trưởng Tổ tự quản cho biết: Chúng tôi đã kiến nghị không biết bao lần với ngành chức năng trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng cũng như không, chẳng hiểu lý do vì sao. Người dân sống rất khổ, quanh năm hứng chịu tất cả loại ô nhiễm môi trường...
Trao đổi vấn đề với ông Phạm Phúc Thịnh, Chủ tịch UBND phường Phú Tài, thừa nhận khu vực này tập trung nhiều vấn đề ô nhiễm. Ông cho biết, đối với vấn đề hệ thống thoát nước, sau khi UBND thành phố cũng như UBND phường nhận được đơn kiến nghị của người dân, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu Công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Bình Thuận giải quyết theo yêu cầu đơn. UBND phường Phú Tài cũng đã làm việc với công ty đề nghị giải quyết sớm. Theo UBND phường Phú Tài, dự án Khu dân cư Phú Tài – Phú Trinh hiện chưa bàn giao cho thành phố nên hệ thống thoát nước cũng như hệ thống chiếu sáng thì công ty phải có trách nhiệm xử lý. Tuy nhiên, để xử lý hệ thống thoát nước đảm bảo không bị tắc nghẽn, phía công ty đề nghị UBND thành phố cũng như phường Phú Trinh có biện pháp vận động cơ sở kinh doanh vật liệu di dời vật liệu xây dựng thì công ty mới có phương án giải quyết. Liên quan đến ô nhiễm từ các hộ chăn nuôi heo, bò, ông Thịnh cho biết, đã và đang vận động bà con chuyển đi nơi khác chăn nuôi. Hiện trong khu vực có vài hộ nuôi heo và nuôi bò, trong đó có hộ đã chấp hành. Tuy vậy, cho đến nay vẫn có 3 hộ đang chăn nuôi gây ô nhiễm.
Vì vậy, ngành chức năng cần quan tâm để người dân không còn tiếp tục mang đơn đi kiến nghị.
Lê Ninh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/ban-doc/o-nhiem-trong-long-thanh-pho-129241.html