Ở nơi hành tây đắt nhất Trái Đất, giá cao hơn cả thịt bò
Giá hành tây ở Philippines đã tăng đột biến trong thời gian gần đây. Giá của nó đắt đến mức nhiều người đã tìm cách nhập lậu vào nước này để kiếm lời.
Từ món salad cho đến món hầm, hành tây là thành phần chính trong hầu hết món ăn của người Philippines. Tuy nhiên, hiện tại, giá của nó đã đắt gấp gần 3 lần giá thịt gà ở quốc gia Đông Nam Á này, theo CNN.
Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, hành tây tím và trắng được bán với giá 600 peso/kg (tương đương 11 USD/kg) vào hôm 9/1. Tuy nhiên, thịt gà chỉ có giá 220 peso/kg (tương đương 4 USD/kg).
Dựa trên giá bán lẻ của các mặt hàng nông sản được giám sát bởi Bộ Nông nghiệp Phillippines kể từ ngày 5/1, giá hành tây tím và trắng cao gấp khoảng 3 lần thịt gà và đắt hơn thịt bò khoảng 25%, Bloomberg đưa tin.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ hành tây đã tăng cao tại các chợ xung quanh Metro Manila vào đêm giao thừa, và điều đó gây bức xúc cho người dân trong mùa lễ hội. Theo Manila Times, hành tây ở Philippines đã trở thành hành tây đắt nhất trên Trái Đất.
Joey Salceda, nhà kinh tế tại Hạ viện Philippines, hôm 7/1 nhận định nước này hiện có “giá hành trong nước đắt nhất thế giới”, trong khi người dân Philippines đã phàn nàn về giá cao chóng mặt trên khắp các phương tiện truyền thông.
Buôn lậu hành tây
Giá hành tây tăng đột biến sau khi một loạt siêu bão tấn công Philippines vào năm ngoái, gây thiệt hại hàng chục tỷ peso cho mùa màng.
Theo Cơ quan Thống kê Philippines, quốc gia Đông Nam Á này đang phải vật lộn với lạm phát leo thang trong những tháng gần đây, khi giá tiêu dùng tăng 8,1% trong tháng 12, đạt mức cao nhất trong 14 năm.
Mức giá kỷ lục đó đã thúc đẩy một số cuộc điều tra chính thức. CNN dẫn lời thanh tra viên Samuel Martires cho biết ông đang điều tra về khả năng thao túng giá cả.
Theo CNN, hành tây đã trở thành một mặt hàng nóng đến nỗi chúng được buôn lậu vào nước này.
Các nhân viên hải quan đã thu giữ số hành tây trắng trị giá 310.000 USD được giấu trong một lô hàng quần áo trong vụ bắt giữ mới nhất vào ngày 23/12/2022, theo Thông tấn xã Philippines.
Hai ngày trước đó, số hành tím từ Trung Quốc trị giá 364.000 USD được giấu trong các hộp bánh ngọt cũng đã bị hải quan thu giữ.
Thượng nghị sĩ Sherwin "Win" Gatchalian đã kêu gọi thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giải quyết nạn buôn lậu.
“Buôn lậu ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế không chỉ ở khía cạnh thất thoát doanh thu cho chính phủ vì các loại thuế không thu được. Buôn lậu cũng phá hủy động lực thị trường đối với các sản phẩm địa phương”, ông cho biết hôm 10/1.
“Chúng ta cần thực thi mạnh mẽ các luật hiện hành để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả và bảo vệ các nhà sản xuất địa phương”, ông nói thêm.
Trong khi đó, Rex Estoperez, trợ lý bộ trưởng Nông nghiệp, khẳng định chính phủ đã cố gắng trấn áp những kẻ buôn lậu, nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn.
Không thể ngồi yên
Trong khi đó, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết ông hy vọng tìm được cách bán hành nhập lậu để “giảm bớt các vấn đề về nguồn cung” mà đất nước này đang phải đối mặt.
Tổng thống Marcos, kiêm bộ trưởng Nông nghiệp, đã phê duyệt việc nhập khẩu 21.060 tấn hành trong tuần này. Chuyến hàng này dự kiến đến vào ngày 27/1.
“Một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát ở nước này là giá hành tăng cao. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định khuyến nghị nhập khẩu hành”, ông Estoperez nói.
Theo ông Esoperez, đề xuất này sẽ giúp kéo giá hành xuống. “Chúng tôi không thể ngồi yên vì một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát là giá hành”.
Ông cho biết việc nhập khẩu là “giải pháp tạm thời”, đồng thời khẳng định không có kế hoạch mua thêm vì mùa thu hoạch cao điểm sẽ diễn ra vào tháng 2. Điều đó có thể khiến giá giảm trở lại.
Nicholas Mapa, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng ING tại Philippines, cho biết nhập khẩu hành tây hiện quá muộn vì giá đã tăng vọt.
“Trong thời gian tới, chúng ta chỉ có thể hy vọng giảm bớt áp lực về giá bằng cách tăng nguồn cung thông qua nhập khẩu hoặc thu hoạch tại địa phương”, ông nói. Ông đồng thời hy vọng việc thu hoạch hành sẽ giúp xoa dịu tình hình.
Bên cạnh đó, theo ông, ngành này nên cải thiện việc dự trữ để hạn chế ảnh hưởng trong các cơn bão.