Ở nơi khắc nghiệt nhất vẫn luôn có tình thương

Có lẽ, cái được của nghề phóng viên (PV) nhiều nhất, đó là mỗi lần đi, mỗi lần tiếp cận những mảnh sống, những kiếp người đều khiến con người ta trưởng thành và thấu hiểu cuộc sống hơn.

Mỗi một lần đi, tiếp xúc với những nhân vật khác nhau, là một lần tôi được mở mang đầu óc, có thêm những góc nhìn mới về cuộc sống. Ảnh: Duy Linh

Mỗi một lần đi, tiếp xúc với những nhân vật khác nhau, là một lần tôi được mở mang đầu óc, có thêm những góc nhìn mới về cuộc sống. Ảnh: Duy Linh

Những mảnh đời...

Mỗi một lần đi, tiếp xúc với những nhân vật khác nhau, là một lần tôi được mở mang đầu óc, có thêm những góc nhìn mới về cuộc sống.

Vốn đã nghe đến xóm vạn chài ở bên bờ sông Hồng, cũng vài lần nghĩ tới nhưng chưa một lần đặt chân, vậy nên cũng phải mất kha khá thời gian, tôi mới tìm tới đúng “địa chỉ”. Thời tiết đầu xuân mưa rả rích. Cả vùng dân cư Phú Thượng ở ngoài đê, dưới chân cầu Nhật Tân ẩm ướt, dinh dính những đất phù sa. Hỏi đến người dân thứ 3, tôi mới đi tìm đến được nơi cư ngụ của những người dân xóm chài ấy.

Vốn ở trung tâm Thủ đô, thế nhưng riêng chuyện đi lại đến cái xóm ấy lại ngoắt ngoéo đến khổ. Len lỏi qua các ngõ nhỏ khu dân cư lâu đời, đi qua hàng dài nơi có những căn nhà 2, 3 tầng san sát mới ra được cả một mảnh ruộng mênh mông… Những mảnh vườn đào thưa thớt vì mới qua Tết, những ruộng rau đang bắt đầu trổ lên mơn mởn.

Nhưng sức sống ấy có mãnh liệt, sục sôi cũng không khiến những bước đi của PV thêm… vững chắc. Bởi con đường lầy lội, đất cứ ướt nhoét, những vũng nước to quá sải chân khiến cho việc đi thẳng trở nên không thể. Bờ ruộng khấp khểnh, chỉ chờ sẩy chân là khiến người ta “vồ ếch”.

Càng gần đến bến sông, con đường lại càng tồi tệ hơn. Cũng không dám nghĩ nếu như sử dụng phương tiện vào nơi đây, người ta sẽ lèo lái thế nào.

Dễ đi hơn xóm vạn chài, nhưng lại loằng ngoằng hơn khá nhiều là xóm phao nơi bãi giữa sông Hồng. Cũng bởi tin lời “chị Google” nên tôi được chị dẫn đi lối cầu Long Biên. Trên cầu có một lối nhỏ dẫn xuống bãi giữa nhưng dốc đứng và là những bậc thang cao hàng chục mét. Không đủ “can đảm” đi con đường này nên tôi đành tìm con đường khác, xa hơn nhưng an toàn.

Sau khi vòng qua cửa khẩu An Dương và ra đến xóm phao, tôi mới hiểu vì sao người dân nơi đây đều cho con đi học bên Yên Phụ chứ không phải Ngọc Thụy, dù cho về mặt địa giới thì nơi đây thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy.

Tại cả xóm vạn chài và xóm phao, tôi đều may mắn gặp được những nhân vật cho phóng sự của mình. Dĩ nhiên tôi có thể chọn cách dễ dàng hơn là “nhờ” chính quyền địa phương giới thiệu cho một vài nhân vật. Tuy nhiên, chính bởi không có sự chuẩn bị nào, nên tôi được lắng nghe những chia sẻ “thật” nhất về cuộc sống, cuộc đời của họ. Cũng như được quan sát, ghi nhận một cách chân thực nhất. Đó cũng là chất liệu cho những bài viết sau này.

Có lẽ, cuộc sống nơi bến sông mà tôi chứng kiến, khi mà nắng gắt thế này, chắc chắn cái mái tôn mỏng manh hay con những con thuyền nho nhỏ đó sẽ không thể giúp những kiếp người lênh đênh ấy dịu đi cái nóng. Những đứa trẻ nước da luôn rám nắng, gầy nhẳng nhưng chắc chắn hồn nhiên chơi bên cạnh những tán cây trên bờ, chờ từng cơn gió giữa trưa hè oi ả. Bờ sông đầy bùn đất với sóng nước vàng phù sa sẽ là bể bơi thiên nhiên để chúng tránh nóng mà ít đứa ý thức được rằng, cái bờ sông trồi sụt ấy có thể đầy nguy hiểm…

Vẫn lấp lánh lạc quan

Hay cuộc sống của xóm trọ đầy những người bệnh mãn tính mà tính mạng chỉ được giữ lại bởi 3 lần/tuần trên chiếc giường có chiếc máy lọc máu, nơi tôi đến vào 1 ngày nắng gắt. Những căn phòng chỉ vẹn vẻn 3 - 4m2 với chiếc mái nếu người cao trên 1,7m chắc sẽ chạm đầu hâm hấp nhiệt, là nơi trú ngụ tạm cho những bệnh nhân ở mọi miền ra BV Bạch Mai chạy thận. Câu chuyện của họ khiến người ta thương cảm, khiến người ta ám ảnh.

Họ bảo, cuộc sống ở đó người đến người đi. Mà người đi ở đây không có nghĩa là đi đâu hay chuyển chỗ khác, mà là những người bệnh đã tận số, họ đã đầu hàng số phận. Căn phòng đó lại có người khác đến ở.

Những người bệnh nhân chạy thận trẻ có, già có, trai có, gái có… chung một nỗi khắc khoải, mệt mỏi vì bệnh tật. Xót xa khi chứng kiến cô gái tuổi mới đôi mươi, mặt còn non trẻ nhưng ánh mắt đã sớm héo úa vì bệnh tật.

Tay không ngừng tỉ mẩn, tranh thủ thời gian không phải lên viện để dán những tấm thiệp, kiếm thêm vài ba triệu bạc 1 tháng để thêm tiền thuốc men. Hoặc đắng chát khi nghe tâm sự một người phụ nữ dân tộc đã vài năm nay không về nhà bởi sức khỏe không cho phép di chuyển dài ngày, và hơn nữa, lịch chạy thận dày đặc cũng không cho bà có đủ thời gian để mà về miền quê xa xôi ấy. Nhà trọ bỗng trở thành nhà chính tự bao giờ…

Thế nhưng, cũng chính ở những nơi khắc nghiệt như thế này, tôi lại được chứng kiến những câu chuyện tình cảm thật đẹp.

Đến đó mới thấy sự khắc khổ cũng không ngăn được ánh mắt hạnh phúc những người may mắn tìm được tri âm, tri kỷ nơi đó. Đó là một người đàn ông đen đúa nhưng duyên dáng nơi bến sông, sẵn sàng “góp gạo thổi cơm chung” với một người phụ nữ quăng chài với 3 đứa con nheo nhóc. Và rồi lo cho bọn trẻ như những đứa con của mình, để ngày ngày lũ trẻ đi học, anh cùng mẹ của chúng cùng nhau trên con thuyền nhỏ quăng lưới bắt cá, bắt tôm để đem lên chợ bán… Đó là người đàn ông đã 2/3 cuộc đời vẫn không có chứng minh thư, nhưng lại sẵn sàng “định cư” với người phụ nữ đơn thân ở chiếc nhà nổi nơi bến sông. Chia sẻ, hỗ trợ và vỗ về bà mỗi khi trái gió trở trời.

Đó là người đàn ông cùng chạy thận bén duyên với người phụ nữ đã từng là giáo viên nhưng vì bệnh mà phải đắng ngắt bỏ nghề để đến định cư ở cái xóm trọ này. Nhìn anh đỡ đần chị và nhẹ nhàng giúp chị lên xe rồi hai người cùng đi đến BV mới thấy, cho dù cuộc sống có thế nào, thì ở bất cứ nơi nào có tình người, cũng có ấm áp…

Dẫu cho chỉ phản ánh được một phần câu chuyện, cũng không thể giúp cho những phận đời đó có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng qua những câu chuyện của họ, tôi nhận thấy một điều rằng, cho dù ở nơi khắc nghiệt nhất, ngặt nghèo nhất, vẫn luôn có sự tồn tại của tình thương. Đó cũng là khía cạnh mà những người làm báo như tôi, cần khai thác.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/o-noi-khac-nghiet-nhat-van-luon-co-tinh-thuong-344788.html