Ở Quảng Bình người dân 'thuần hóa' con ốc từ lèn đá vùng cao về nuôi ở đồng bằng cho giá trị kinh tế cao

Ốc núi (ốc lèn) là đặc sản của người dân vùng núi phía Tây Quảng Bình. Một người đàn ông đã tìm tòi, học hỏi và xây dựng mô hình nuôi con ốc núi ở vùng quê đồng bằng.

Đặc sản vùng cao Quảng Bình

Khoảng đầu tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch, sau những cơn mưa rừng, loài ốc núi (dân bản thường gọi là ốc lèn) ẩn mình trong những hốc đá, dưới tán rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng lại bò ra để tìm cây cỏ làm thức ăn. Đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa lại rủ nhau vào rừng để bắt ốc về chế biến món đặc sản của bản làng.

Ốc lèn, rượu đoác, mật ong rừng... là những sản vật của vùng núi Quảng Bình.

Ốc lèn, rượu đoác, mật ong rừng... là những sản vật của vùng núi Quảng Bình.

Ông Cao Ngọc Đoàn (65 tuổi, người đồng bào Rục) trú xã Thượng Hóa cho biết, ốc lèn có kích thước gần giống con ốc bươu nhưng vỏ dày hơn. Tại Quảng Bình, ốc lèn chỉ sống ở vùng rừng núi đá vôi trong những lèn đá. Ôc lèn thường xuất hiện sau những trận mưa rào, bắt đầu từ đầu tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, những tháng còn lại chúng vùi mình dưới đất, trong những hốc đá hoặc các lớp lá dày.

Thức ăn của loại ốc gồm nhiều loại cây rừng tầng thấp, trong đó có cả những cây thuốc quý nên chúng rất sạch, khi luộc lên thơm phức, ăn sần sật, có vị béo mà không ngán mà còn bổ dưỡng.

Ông Đoàn và thành quả là những con ốc núi sau một đêm vào rừng tìm bắt. Ảnh: P.P.

Ông Đoàn và thành quả là những con ốc núi sau một đêm vào rừng tìm bắt. Ảnh: P.P.

Cách chế biến món ốc lèn của đồng bào Rục rất đơn giản. Ốc lèn đem rửa sạch rồi luộc chấm muối ớt. Ớt rừng hòa quyện với vị chua của loại lá rừng tạo nên sự khác biệt với loại muối ớt miền xuôi, món ốc được chấm vào cũng cho hương vị ngon lạ.

Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón, xã Thượng Hóa cho biết, ốc lèn từ loại thức ăn thường ngày của đồng bào Rục nay đã trở thành "đặc sản" được thực khách ưa chuộng, săn đón. Nhiều du khách khi đến huyện Minh Hóa đều muốn tìm mua, thưởng thức món ốc lèn. Ốc lèn trở thành sản vật mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện miền núi này.

Đưa con ốc từ lèn núi về đồng bằng phát triển kinh tế

Ông Lê Văn Vương (SN 1975) trú xã An Ninh, huyện Quảng Ninh được biết đến với mô hình nuôi ốc núi ở vùng đồng bằng. Từng làm nghề tài xế, đi đây đi đó nhiều, ông vẫn khó quên cảm giác khi được thưởng thức món ốc núi.

Ông Lê Văn Vương thực hiện mô hình nuôi ốc núi ở vùng đất đồng bằng.

Ông Lê Văn Vương thực hiện mô hình nuôi ốc núi ở vùng đất đồng bằng.

Trong một lần ghé nhà người bạn ở tỉnh Lào Cai, ông Vương biết bạn mình đang thực hiện mô hình nuôi ốc núi. Biết ở quê hương Quảng Bình cũng nổi tiếng với món ốc này nhưng chỉ biết nó được bắt ngoài tự nhiên chứ chưa từng nghĩ sẽ "thuần hóa" nuôi số lượng lớn loài ốc hoang dã này.

Tìm hiểu thêm ông Vương bất ngờ khi mô hình nuôi ốc có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông xin học hỏi kinh nghiệm và triển khai mô hình nuôi ốc núi gần 1 năm nay.

Ở Quảng Bình tuy ốc núi có khá nhiều nhưng sinh sống tự nhiên, không có nguồn giống để chăn nuôi tập trung. Ông Vương phải lặn lội vào núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) rồi đến tỉnh Bình Thuận và ra Tuyên Quang nhập ốc núi giống về nuôi.

Khu chuồng nuôi rộng 200 m2, phía dưới nền được ông Vương rải mùn dừa, thường xuyên phun nước để đảm bảo giữ độ ẩm. Phía trên được che chắn bằng các tấm lưới.

"Nuôi ốc núi khá khó, vì đây là sinh vật hoang dã còn mang tập tính tự nhiên nên phải cố tạo được môi trường giống với nơi chúng hay sinh sống nhất. Về dịch bệnh của ốc mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải vừa nuôi vừa quan sát để đúc rút", ông Lê Văn Vương chia sẻ.

Ốc được nuôi trong môi trường giống với thiên nhiên nhất có thể.

Ốc được nuôi trong môi trường giống với thiên nhiên nhất có thể.

Để đảm bảo thức ăn cho ốc núi, ông Vương thường hái các loại thảo dược như lá đinh lăng, lá đu đủ, lá cây sake... Bên cạnh đó, ông còn xay, trộn các loại lá này cùng với rể cây đã bị mục và một ít xương động vật rồi ép thành viên cho ốc núi ăn dần.

Được biết sau thời gian dài nuôi, tỷ lệ tử vong của ốc thấp, các cá thể sinh trưởng khá đồng đều. Trong thời gian tới ông sẽ xuất lứa ốc núi đầu tiên với giá thị trường tham khảo được khá cao.

Ông Trương Quang Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, mô hình nuôi ốc núi của ông Vương đang phát triển tốt, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao cho nông dân này, từ đó, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trên địa bàn.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/o-quang-binh-nguoi-dan-thuan-hoa-con-oc-tu-len-da-vung-cao-ve-nuoi-o-dong-bang-cho-gia-tri-kinh-te-cao-172240805155944685.htm