Ở Sóc Trăng, nông dân trồng cây ăn trái bội thu, 'nhàn tênh' thu trăm triệu
Sóc Trăng với lợi thế đất đai trù phú do phù sa sông Hậu bồi đắp, những năm qua, trở thành một trong những 'thủ phủ' cây ăn trái ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Cây ăn trái không chỉ xóa nghèo, mà còn góp phần làm giàu cho hàng trăm nhà vườn, nông dân, HTX.
Mãng cầu là một trong những loại cây ăn trái cho giá trị ổn định nhất cho nông dân Sóc Trăng trong hơn nửa thập kỷ qua. Hiện, toàn tỉnh có hơn 340 ha mãng cầu gai, được trồng nhiều tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, và đặc biệt là thị xã Ngã Năm với gần 248 ha.
Hiệu quả kinh tế vượt trội
Kể từ khi bén rễ trên vùng đất Ngã Năm, trái mãng cầu cho thấy sự thích nghi tuyệt vời. So với các loại cây trồng khác, theo người dân địa phương, mãng cầu gai dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đặc biệt là giống mãng cầu gai gốc ghép bình bát thích ứng tốt với địa thế đất trũng phèn, năng suất cao.
Nhắc đến người trồng mãng cầu thành công ở Ngã Năm, không thể không nhắc đến ông Bảo Xiêng, ngụ ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới. Sau thời gian dài long đong cùng các loại cây cũ như tre, trúc, tràm... ông Bảo Xiêng quyết định chuyển đổi sang trồng mãng cầu và hành trình đổi đời bắt đầu.
Ông Bảo Xiêng nhớ và kể lại rằng, vào khoảng năm 2012, ông bắt đầu dọn bỏ khu vườn cây tạp để trồng cây mãng cầu gai, và phải mất thời gian gần 2 năm để hoàn thiện khu vườn rộng 1 ha.
Để nâng cao hiệu quả, ông Xiêng đi tìm cây bình bát dại ngoài tự nhiên về trồng, đợi cây cao khoảng 1 mét thì tiến hành ghép chồi mãng cầu gai vào cây bình bát và chăm sóc cây như bình thường. Sau 3 năm trồng kể luôn thời gian ghép cây thì mãng cầu bắt đầu cho trái.
“Giai đoạn đầu, cây còn nhỏ, năng suất chưa cao, đến năm thứ 5 thì năng suất trái ổn định. Hiện tại, với diện tích vườn gần 1 ha, sản lượng trái thu về hơn 40 tấn/năm, giá bán dao động từ 22.000 - 58.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến hơn 100.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi có lợi nhuận hơn 900 triệu đồng/năm", ông Bảo Xiêng tiết lộ.
Bên cạnh bán trái tươi, ông Bảo Xiêng còn dùng trái chế biến trà mãng cầu và mứt mãng cầu. Trà mãng cầu cung ứng ra thị trường từ 100kg/tháng; mứt xuất bán tầm 10 - 30kg/tháng, trà và mứt mãng cầu bán cho khách hàng trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm trà mãng cầu do ông Bảo Xiêng sản xuất đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng năm 2023.
Liên kết là chìa khóa thành công
Không chỉ hoạt động riêng lẻ, để nâng cao nội lực sản xuất, nhiều hộ trồng mãng cầu ở Ngã Năm đã liên kết thành lập HTX mãng cầu gai Vĩnh Quới. Được thành lập vào năm 2016, HTX có diện tích sản xuất hơn 14 ha, với 29 thành viên tham gia, sản lượng trái bình quân hơn 50 tấn/năm.
Ông Lê Văn Vui, Giám đốc HTX, cho biết toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đã đạt chứng nhận VietGAP. Thành quả lớn nhất của HTX là đời sống thành viên thay đổi theo từng năm. Nếu như trước đây hầu hết thành viên đều khó khăn thì nay đã vươn lên khá, giàu.
“Thời gian tới, HTX sẽ kết nạp thêm thành viên mới để nâng diện tích mãng cầu, cùng với đó, sẽ đẩy mạnh tìm kiếm đối tác là các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, từ đó giúp thành viên HTX tiêu thụ trái và giá bán ổn định hơn”, vị đại diện HTX cho hay.
Nếu ở Ngã Năm có trái mãng cầu gai thì ở Kế Sách - địa phương được ví như “thủ phủ” cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, đang có hàng loạt sản phẩm đặc sắc như cam sành Ba Trinh, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, nhãn tiêu da bò và xoài cát chu xã An Lạc Tây…
Sở dĩ vùng đất Kế Sách có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn trái là do địa hình hơn 20km tiếp giáp sông Hậu nên lượng phù sa được bồi đắp quanh năm, thích hợp trồng được nhiều loại cây chất lượng cao.
Nếu như trước đây hầu hết người dân Kế Sách trồng cây ăn trái theo tập quán truyền thống thì hiện tại, nhiều hộ đã sản xuất theo chuỗi giá trị bằng cách tập hợp sản xuất và liên kết đầu vào, đầu ra cho các loại trái cây, với sự hiện diện đầy ấn tượng của các HTX, tổ hợp tác.
Đơn cử, HTX bưởi Thành Công, xã Kế Thành những năm qua trở thành điểm tựa sản xuất, nâng cao thu nhập cho hàng trăm thành viên, hộ liên kết. Để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX chủ động bắt tay với doanh nghiệp để giải bài toán tiêu thụ cho các dòng sản phẩm.
Hiện nay, bưởi của HTX Thành Công được doanh nghiệp bao tiêu để cung cấp cho các hệ thống siêu thị trong cả nước. Nhờ giá cả ổn định, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trên 1 ha trồng bưởi của các thành viên HTX đạt trung bình trên 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên ở địa phương.
Có được điều này là bởi các thành viên HTX tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc và thu hoạch bưởi. Hiện, HTX chuyên canh cây bưởi da xanh và bưởi Năm roi, sản lượng ước đạt 20 tấn/ha/năm. Đáng chú ý, HTX đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng trên diện tích hơn 41 ha, qua đó có thêm cơ hội để chinh phục thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đẩy mạnh vùng trồng xuất khẩu
Theo thống kê toàn tỉnh Sóc Trăng đang có tổng diện tích cây ăn trái trên 30 nghìn ha, tập trung tại các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, thị xã Ngã Năm… với các loại trái cây đặc sản như bưởi, xoài, nhãn, vú sữa, sầu riêng...
Cùng với diện tích cây ăn trái không ngừng nâng lên, thì trình độ canh tác của người dân, HTX trồng cây ăn trái ở Sóc Trăng ngày càng được nâng cao, với các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng. Đơn cử, diện tích canh tác cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng (hiện đạt diện tích hơn 441 ha).
Bên cạnh việc phát triển diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh theo hướng trồng tập trung tại một số địa phương thì thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình vùng trồng đạt tiêu chuẩn cấp mã số, phục vụ xuất khẩu tại các HTX trên địa bàn tỉnh.
Để trái cây của tỉnh Sóc Trăng được "xuất ngoại" thành công, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chú trọng việc xây dựng, phát triển vùng trồng cây ăn trái nhằm hướng vào những thị trường xuất khẩu khắt khe. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng đã có 94 mã vùng trồng do ngành Nông nghiệp quản lý, điều này đã giúp cho nông sản của tỉnh xuất khẩu thuận lợi hơn so với trước đây.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra các vùng trồng đã được cấp mã số; xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng quy hoạch vùng trồng...
Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giúp các HTX, hộ nông dân xử lý trái cây rải vụ, để đảm bảo đáp ứng liên tục, thường xuyên của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đảm bảo cung cấp sản lượng ổn định tại các siêu thị; mở rộng mã vùng trồng và có chế độ khai thác, quản lý mã vùng trồng theo quy định...