Ô tô chở học sinh không có thiết bị chống bỏ quên trẻ sẽ bị phạt thế nào?

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất riêng mức xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô chở học sinh, mầm non.

Tài xế có thể bị phạt đến 6 triệu đồng

Theo đó, tại Điều 27 dự thảo Nghị định này, Bộ Công an đề xuất phạt tiềntừ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Không hướng dẫn học sinh, trẻ em mầm non ngồi đúng vị trí quy định trong xe;

Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh tiểu học không có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc không sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

Điều khiển xe chở học sinh không có thiết bị chống bỏ quên trẻ, tài xế có thể bị phạt đến 6 triệu đồng, trừ 6 điểm GPLX (ảnh minh họa).

Điều khiển xe chở học sinh không có thiết bị chống bỏ quên trẻ, tài xế có thể bị phạt đến 6 triệu đồng, trừ 6 điểm GPLX (ảnh minh họa).

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu tài xế điều khiển xe ô tô chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non mà không có hoặc không đủ người quản lý trên mỗi xe ô tô theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, trừ 6 điểm giấy phép lái xe nếu tài xế thực hiện các hành vi:

Điều khiển xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non mà chưa đủ 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách;

Điều khiển xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm nonmà lái xe, người quản lý chưa được tập huấn về quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, trừ 6 điểm giấy phép lái xe nếu tài xế thực hiện một trong các hành vi vi phạm:

Điều khiển xe kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm nonmà không có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non hoặc thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe, hoặc xe có niên hạn sử dụng không đúng quy định.

Đối với chủ phương tiện, nếu đưa xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non không đúng niên hạn sử dụng, giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện có 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách, điều khiển xe ô tô doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non tham gia giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân hoặc từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe.

Xe chuyên dùng chở học sinh buộc phải sơn màu vàng đậm, nếu vi phạm tài xế và chủ xe sẽ bị phạt nặng (ảnh minh họa).

Xe chuyên dùng chở học sinh buộc phải sơn màu vàng đậm, nếu vi phạm tài xế và chủ xe sẽ bị phạt nặng (ảnh minh họa).

Phạt nặng vi phạm quy định về màu sơn xe chở học sinh

Dự thảo Nghị định của quy định phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, trừ 6 điểm giấy phép lái xe nếu tài xế điều khiển phương tiện không có màu sơn theo quy định đối với xe chở học sinh, trẻ em mầm non.

Ngoài ra, chủ phương tiện trong trường hợp này cũng bị phạt tiền từ 4-6 đồng nếu là cá nhân, từ 8-12 triệu đồng nếu là tổ chức.

Mặt khác, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng đang được lấy ý kiến đã đề xuất rõ loại xe chở học sinh, trẻ em mầm non phải sơn màu sơn theo quy định.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh, dự thảo chỉ quy đinh: Phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Như vậy, với xe ô tô chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh bắt buộc phải sơn màu vàng đậm, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lỗi không có màu sơn xe theo quy định.

Trong khi đó, xe kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non thì không.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-to-cho-hoc-sinh-khong-co-thiet-bi-chong-bo-quen-tre-se-bi-phat-the-nao-192240811163120344.htm