Ô tô 'độ' mặt ca lăng lên đời xe thế nào để được đăng kiểm?

Ô tô thay mặt ca lăng để lên đời xe được coi là cải tạo, do đó, nếu không thực hiện đúng quy trình sẽ bị từ chối khi đưa xe đi đăng kiểm.

Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc chiếc xe Hyundai Accent 2019 của gia đình nếu độ mặt ca lăng hình lục giác như xe Hyundai Accent đời 2022 có được đăng kiểm không?

Hyundai Accent 2019 (bên trái) "độ" mặt ca lăng nâng lên đời xe 2022 (bên phải) là trường hợp cải tạo xe cơ giới phải có hồ sơ thiết kế cải tạo được duyệt mới được thi công lắp đặt để nghiệm thu.

Hyundai Accent 2019 (bên trái) "độ" mặt ca lăng nâng lên đời xe 2022 (bên phải) là trường hợp cải tạo xe cơ giới phải có hồ sơ thiết kế cải tạo được duyệt mới được thi công lắp đặt để nghiệm thu.

Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 3/6/2023 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, thay đổi lưới tản nhiệt (mặt ca lăng) cùng kích thước được xếp vào hạng mục hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng, khi đi đăng kiểm vẫn đạt kiểm định.

Thông tư 43/2023 có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 về cải tạo xe cơ giới đường bộ, cũng quy định: Một trong các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi không được coi là cải tạo, vẫn được kiểm định để cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm và Tem kiểm định là: thay đổi chi tiết, bộ phận thân vỏ (trong đó có mặt ca lăng - PV) là tùy chọn của nhà sản xuất nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.

Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe.

Điều này có nghĩa là mặt ca lăng thay thế phải là tùy chọn của nhà sản xuất, được áp dụng cùng thời điểm, cùng năm sản xuất, có cùng kích thước (biên dạng) với mặt ca lăng cũ. Việc thay thế không được làm ảnh hưởng đến kết cấu xe, không làm thay đổi hình dạng cản trước, vị trí đèn chiếu sáng.

Việc chủ phương tiện "độ" mặt ca lăng nâng đời xe không nằm trong trường hợp trên.

"Rất nhiều chủ xe không đọc kỹ quy định, cho rằng ô tô "độ", thay thế mặt ca lăng nào cũng được và tự ý "độ", dẫn đến khi đưa xe đi đăng kiểm mới vỡ lẽ, bị từ chối kiểm định, vừa mất thời gian, lại mất thêm chi phí do phải thực hiện đăng kiểm lại sau khi khắc phục. Thậm chí, nhiều người dù được giải thích vẫn cố tình không hiểu", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nói.

Theo vị này, quy định không cấm "độ" mặt ca lăng lên đời xe tuy nhiên đây sẽ không được xếp vào trường hợp xe có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, mà thuộc trường hợp xe cơ giới cải tạo.

Vì vậy, để "độ" mặt ca lăng nâng đời xe như mong muốn của bạn đọc Báo Giao thông mà vẫn đạt đăng kiểm, chủ xe cần phải thuê cơ sở thiết kế lập hồ sơ thiết kế xe cải tạo thay thế mặt ca lăng, sau đó nộp về Sở GTVT địa phương để được thẩm định hồ sơ thiết kế.

Sau khi hồ sơ thiết kế xe cải tạo được duyệt, mới được cho thi công lắp đặt, thay thế mặt ca lăng. Hoàn tất thay thế, chủ xe đưa phương tiện đã cải tạo đến trung tâm đăng kiểm làm thủ tục nghiệm thu xe cải tạo để được cấp giấy chứng nhận cải tạo.

Tại đây, đơn vị đăng kiểm cũng sẽ thực hiện đăng kiểm xe sau cải tạo để cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định mới phù hợp với hình ảnh thực tế của phương tiện.

Sau khi có giấy chứng nhận cải tạo, chủ xe mang đến cơ quan công an để làm thủ tục thay đổi thông tin trên giấy đăng ký xe sao cho phù hợp với thông tin trên giấy chứng nhận đăng kiểm mới, tạo thuận lợi cho lần đăng kiểm định kỳ tiếp theo.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-to-do-mat-ca-lang-len-doi-xe-the-nao-de-duoc-dang-kiem-192240709163109262.htm