Ô tô nhập ào vào như 'cá gặp nước', giá giảm xe nội lo hết đường
Với việc bỏ kiểm tra theo lô thì rào cản sẽ không còn, như 'cá gặp nước', xe nhập giá rẻ sẽ tràn vào, báo hiệu thời kỳ khó khăn của xe trong nước và công nghiệp ô tô Việt Nam.
Liên tục thay đổi chính sách
Nghị định 116/2017/NĐ-CP sẽ được các cơ quan chức năng sửa đổi và ban hành sớm. Với xe ô tô nhập khẩu, thay vì kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, sẽ sửa kiểm tra theo kiểu loại và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Kiểm tra theo kiểu loại, có thể được hiểu là mỗi kiểu loại xe chỉ cần lấy mẫu để kiểm tra khí thải và an toàn lần đầu tiên và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật.
Như vậy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sắp tới sẽ rất thông thoáng và xe nhập có cơ hội về nước nhanh hơn, nhiều hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, đây là lại điều đáng lo ngại với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Câu hỏi đặt ra là “xe nội” có đấu được với “xe ngoại”?
Hiện tại so với Thái Lan và Indonesia, sản lượng ô tô của Việt Nam thua xa. Thái Lan có khoảng 2 triệu xe/năm, Indonesia 1,3 triệu xe/năm trong khi Việt Nam chỉ hơn 200.000 xe/năm. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô của Thái Lan từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ 60-80%, Indonesia từ 45-70% còn Việt Nam chủ yếu dưới 20%, có một số mẫu đạt từ 37-40%.
Sản lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa cũng thấp nên theo tính toán, chi phí sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam cao hơn 20% so với các nước như Thái Lan, Indonesia.
Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Với việc bỏ kiểm tra theo lô thì rào cản sẽ không còn, như “cá gặp nước”, xe nhập giá rẻ sẽ tràn vào, báo hiệu thời kỳ khó khăn của xe trong nước và công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty TC Motor cho rằng, chính sách với ngành ô tô thay đổi liên tục đang làm khó các DN. Nghị định 116 ban hành cuối năm 2017, có hiệu lực từ đầu 2018, mới thực hiện chưa được 2 năm lại thay đổi.
Hiện nay với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, khi nhập khẩu một số linh kiện như gương, kính, đèn,... về lô nào cũng phải mang đi kiểm tra chất lượng. Với xe nhập giờ đây mỗi kiểu loại chỉ kiểm tra lần đầu và chấp nhận kết quả với các lô sau, sẽ tạo ra sự bất công bằng với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia vốn đã có lợi thế hơn hẳn về giá so với xe trong nước, nay các quy định về nhập khẩu lại thông thoáng hơn thì dễ dàng tràn vào, gây khó khăn cho xe trong nước.
Hơn nữa, thị trường ô tô tại Thái Lan và Indonesia đang trong giai đoạn bão hòa, hai quốc gia này đều có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu. Muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam giờ rất dễ. Chỉ cần giảm giá bán xuống thấp, chấp nhận thua lỗ thời gian đầu thì chắc chắn thị trường sẽ nằm trong tay họ. Như vậy, sẽ báo động với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
“Xe nội” có đấu được “xe ngoại”?
Trong khi đó, chính sách dành cho ngành công nghiệp ô tô đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Ưu đãi, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện ô tô mua trong nước, DN mong đợi từ lâu, giờ vẫn là dự thảo và chưa biết khi nào mới thành hiện thực.
Chính phủ muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô mà chính sách đến nay vẫn chưa đồng bộ, vì vậy DN đầu tư lớn rất rủi ro. Nếu không hoàn thiện và ban hành sớm, sản xuất ô tô trong nước khó cạnh tranh với xe nhập và các DN sẽ chuyển sang đi buôn hết, ông Đức nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dù có được ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện sản xuất trong nước thì “xe nội” sắp tới cũng khó đấu “xe ngoại”. Do tỷ lệ nội địa hóa của đa số mẫu “xe nội” vẫn còn thấp nên thời gian đầu ưu đãi được hưởng không nhiều.
Theo tính toán của một DN ô tô, chính sách này có được áp dụng, ban đầu “xe nội” cũng chỉ giảm chi phí khoảng 10%. Cộng với việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất linh kiện về 0% và các ưu đãi khác thì “xe nội” cũng chỉ có mức giảm trên 20% (trừ một số mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa 37-40%). Như vậy, cũng chưa có lợi thế hơn hẳn so với xe nhập từ Thái Lan và Indonesia. Chưa kể như đã nói, nếu muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thì “xe ngoại” có thể đại hạ giá cạnh tranh là “xe nội” khó có đường sống.
Ngoài chính sách ưu đãi đủ mạnh, các DN ô tô mong muốn cần có các rào cản kỹ thuật để ngăn chặn xe nhập khẩu tràn vào. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi ô tô nhập khẩu hiện nay đều có tiêu chuẩn kỹ thuật ngang bằng và cao hơn Việt Nam. Nếu đòi hỏi những tiêu chuẩn kỹ thuật cao với ô tô nhập khẩu thì ô tô trong nước cũng phải đáp ứng được.
Theo ông Đức, thị trường ô tô Việt Nam sắp bước vào “thời kỳ vàng” với nhu cầu xe cá nhân của người dân đang tăng cao. Tuy nhiên, rất có thể xe nhập sẽ chiếm lĩnh thị trường, Thái Lan và Indonesia được hưởng lợi lớn.