Ô tô Trung Quốc và tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt
Các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang rục rịch chuẩn bị cho cuộc đổ bộ thứ hai vào thị trường Việt Nam. Khác biệt là quy mô lần này được dự báo sẽ lớn hơn nhiều so với đợt đầu tiên diễn ra cách đây hơn một thập niên.
Đón đầu "motorization"
Năm 2007, Lifan lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường Việt Nam mẫu xe ô tô 520 với mức giá bán lẻ từ 13.000 – 15.000 USD, tương đương 208 – 240 triệu đồng theo tỷ giá lúc bấy giờ. Đáng chú ý là mẫu xe Lifan 520 được lắp ráp ngay tại Việt Nam bởi Liên doanh Ô tô Hòa Bình (VMC).
Đến năm 2009, Lifan tiếp tục tung ra thị trường thêm 3 mẫu xe nữa gồm 620, 320 và 520i với giá bán lẻ từ 12.500 - 18.500 USD.
Trong giai đoạn Lifan "mở hàng" phân khúc ô tô Trung Quốc, các mẫu xe được khá nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn trong bối cảnh ô tô Nhật Bản và Mỹ vẫn rất đắt đỏ.
Chặng đường đầu tiên khá êm đềm của Lifan trở thành chỉ dẫn cho thương hiệu ô tô Trung Quốc thứ hai là Chery gia nhập thị trường Việt Nam. Cụ thể, vào cuối tháng 8/2009, Chery lần đầu tiên trình làng mẫu xe QQ3 nằm ở phân khúc cỡ A với giá bán lẻ 9.500 USD.
Đến năm 2011, liên doanh VMC tiếp tục giới thiệu ra thị trường một mẫu ô tô Trung Quốc khác là Riich M1 với mức giá bán lẻ 288 triệu đồng. Riich là thương hiệu cao cấp của Chery.
Kể từ sự xuất hiện của Lifan và Chery, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc khác như Dongfeng, Zoyte, BAIC, Brilliance và Haima… cũng theo nhau gia nhập thị trường ô tô Việt Nam thông qua các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu ô tô này sau đó đã âm thầm rút khỏi thị trường do không được người tiêu dùng đón nhận.
Nếu như ở giai đoạn đầu tiên các hãng xe Trung Quốc ào ạt đổ bộ, thị trường ô tô Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh ở tổng mức tiêu thụ khoảng 250.000 – 300.000 xe/năm thì hiện nay, tình hình đã gần như hoàn toàn thay đổi.
Sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19, thị trường ô tô Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc. Thậm chí trong năm 2022, tổng dung lượng thị trường đã có lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 chiếc. Đây được xem là dấu mốc lịch sử và cũng được xem là bước ngoặt quan trọng để thị trường ô tô Việt Nam rẽ hướng vào giai đoạn ô tô hóa (motorization).
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giai đoạn motorization chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong vòng vài năm tới. Dự tính đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt khoảng 900.000 xe/năm.
Với một thị trường ô tô còn quá nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là nhóm khách hàng mua xe lần đầu, cơ hội để các hãng xe giá rẻ, cụ thể ở đây là các thương hiệu ô tô Trung Quốc, tranh thủ "giữ chỗ" để đón đầu thị trường là không hề nhỏ. Đó cũng chính là lý do để các thương hiệu ô tô Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ quy mô lớn vào thị trường Việt Nam.
Ngập tràn ô tô Trung Quốc
Có thể xem như đợt đổ bộ đầu tiên của các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã không đạt được những thành quả như kỳ vọng. Do đó, đợt đổ bộ thứ hai đang chuẩn bị diễn ra sẽ có những thay đổi đáng kể cả về chất lẫn về lượng.
Wuling sẽ là thương hiệu đi đầu trong cuộc đổ bộ thứ hai của ô tô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Dự kiến ngày 29/6/2023, mẫu xe điện giá rẻ Wuling HongGuang MiniEV sẽ chính thức được giới thiệu ra thị trường.
Wuling HongGuang MiniEV là cái tên rất đáng chú ý bởi mẫu xe này được lắp ráp bởi TMT Motors, doanh nghiệp ô tô có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. HongGuang MiniEV cũng là mẫu xe đầu tiên mở ra phân khúc xe điện mini giá rẻ. Với mức giá bán lẻ được dự đoán rơi vào khoảng 235 - 255 triệu đồng, HongGuang MiniEV được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước đột phá trên thị trường. Trên thực tế, Wuling HongGuang MiniEV chính là mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới năm 2022 vừa qua.
Bên cạnh cú bắt tay hợp tác giữa TMT Motors và Wuling, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc khác cũng đang rốt ráo hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để tham gia vào thị trường ô tô gần 100 triệu dân như Việt Nam.
Cách đây ít lâu, Chery đã xác nhận sẽ chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam. Nhiều khả năng ngay trong năm nay, Chery sẽ tung ra hai mẫu xe đầu tiên là Omoda 5 và Jaecoo 7.
Mới đây, hãng xe Haval thuộc tập đoàn Great Wall Motor, cũng đã thông báo trở lại Việt Nam thông qua đối tác phân phối mới. Mẫu xe đầu tiên dự kiến sắp ra mắt thị trường là Haval H6. Đây là mẫu xe nằm trong phân khúc SUV/crossover cỡ C nơi đang có sự cạnh tranh của Hyundai Tucson, Ford Territory, Mazda CX-5 và chính đối thủ đồng hương Cheru Jaecoo 7.
BYD, hãng xe lớn hàng đầu Trung Quốc, cũng cho biết đang xây dựng kế hoạch sản xuất, lắp ráp ô tô ngay tại Việt Nam. "Đại gia" ô tô Trung Quốc sẽ nhập khẩu và phân phối một số mẫu xe trước khi thực hiện sản xuất tại chỗ nhằm chiếm lĩnh thị trường. Tham vọng của BYD là rất lớn khi lãnh đạo tập đoàn mới đây đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.
Một hãng xe Trung Quốc khác là Haima cũng xác nhận sẽ trở lại Việt Nam thông qua nhà phân phối mới. Dự kiến Haima sẽ mở bán 3 mẫu xe trong đợt đầu tiên là 7X, 8S và biến thể thuần điện 7X-E.
Với lợi thế giá rẻ và khả năng chủ động về nguồn linh kiện, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vốn được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng. Sau đợt đầu tiên không gặt hái được thành công, các hãng xe Trung Quốc được cho là sẽ trở lại với chiến lược bài bản hơn nhiều và kỳ vọng sẽ cạnh tranh tốt với các thương hiệu ô tô Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu vốn đang khá chắc chân tại Việt Nam.