Ô tô, xe máy đe dọa tuổi thọ vỉa hè vừa được sửa chữa ở Hà Nội
Vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, nhưng thực tế ô tô, xe máy đang đi lại, dừng đỗ tràn lan đe dọa tuổi thọ của công trình công cộng vốn đang gây nhiều bức xúc dư luận Hà Nội.
Những ngày này, vỉa hè hai tuyến phố Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân, Hà Nội đang được các đơn vị thi công bảo trì, sửa chữa. Mục đích là thay thế, lát lại các vị trí đá vỉa hè bị nứt vỡ, bong tróc.
Để đảm bảo chất lượng công trình công cộng vốn sinh ra chỉ để phục vụ người đi bộ này, đơn vị thi công đã dựng rào chắn, biển cảnh báo. Công nhân kỹ thuật cũng lưu ý người dân là các hạng mục ốp lát cần thời gian để đông cứng, bám dính, đảm bảo chất lượng. Thế nhưng bất chấp, nhiều người vô ý thức vẫn đi xe máy, thậm chí đưa cả ô tô leo lên vỉa hè...
Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận có 2 tuyến vỉa hè được lát đá tự nhiên, đầu tư từ giai đoạn 2016 – 2017. Sau khi kết luận thanh tra của thành phố năm 2018, liên quan đến chất lượng việc lát đá vỉa hè, quận không triển khai thêm tuyến nào nữa.
“Sau một thời gian sử dụng, một số đoạn vỉa hè ở hai tuyến phố này có hiện tượng đá nứt vỡ, bong tróc, xuống cấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó do công tác bảo trì vỉa hè chưa được kịp thời. Vỉa hè được thiết kế cho người đi bộ nhưng xe cộ dừng đỗ, đi lại trên vỉa hè khá nhiều thì không vật liệu ốp lát nào chịu được…” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, khi một viên đá bị nứt vỡ, nếu không được sửa chữa, bảo trì kịp thời thì có thể lan sang các viên bên cạnh. Cứ thế, về lâu dài sẽ làm hư hại cục bộ đoạn vỉa hè đó.
Trong lúc chờ người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng công trình công cộng như vỉa hè, trước mắt, Ban QLDA chỉ có cách thường xuyên rà soát, kịp thời sửa chữa ngay các đoạn vỉa hè bị hư hại, thay mới các viên đá bị nứt vỡ…
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cũng cho hay tiêu chuẩn thiết kế vỉa hè chỉ để vụ người đi bộ. Tuy nhiên đến nay hầu hết các tuyến vỉa hè trên địa bàn quận, cũng như của Hà Nội đều có tình trạng bị xe máy, ô tô, thậm chí cả xe chở hàng thường xuyên đi lại, dừng đỗ.
“Một số đoạn vỉa hè tại hai tuyến phố Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi chúng tôi vừa cho sửa chữa lại vài tiếng đã bị xe cộ đi lại, dừng đỗ, dù đơn vị thi công đã có rào chắn, cảnh báo” - ông Hải cho biết.
Vấn đề này đã được phản ánh lên các cấp chính quyền, và nhiều địa phương ở Hà Nội đã tăng cường lực lượng kiểm tra, xử phạt, mong lập lại trật tự vỉa hè. Nhưng khi không có lực lượng chức năng là tình trạng vi phạm, xâm lấn vỉa hè của người dân Thủ đô lại diễn ra.
Mới đây, hôm 16-12, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có văn bản yêu cầu các Sở Xây dựng, GTVT và UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh công tác đầu tư, quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn.
Theo đó, lãnh đạo Thủ đô cầu các sở ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng hè phố đúng công năng, mục tiêu đầu tư, thiết kế được duyệt. Rà soát, tạm dừng hoạt động của các hộ kinh doanh, tổ chức, đơn vị nếu họ sử dụng hè phố làm điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố. Kết quả thực hiện phải báo cáo thành phố kết trong tháng 12-2022.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư tổ chức giám sát việc tổ chức thi công, quản lý sử dụng hè phố sau đầu tư, cải tạo, xây dựng mới.
Sở GTVT, Sở Xây dựng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đi lại, dừng, đỗ ô tô trên hè phố không đúng quy định, cũng như các chủ công trình xây dựng có hoạt động thi công gây hỏng kết cấu hè phố, các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố không được cấp phép.
UBND cấp quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát, thực hiện công tác bảo trì, bảo hành theo quy định pháp luật; kịp thời duy tu, sửa chữa các điểm hè phố bị lún nứt, vỡ, bong bật để đảm bảo chất lượng công trình...