Ðoàn kết, năng động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử do đại dịch Covid-19, đồng thời với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề và tăng trưởng âm 4%. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu đề ra không chỉ cho năm 2020 mà cho cả giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều điểm mới vượt trội và các dấu ấn nổi bật.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử do đại dịch Covid-19, đồng thời với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề và tăng trưởng âm 4%. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu đề ra không chỉ cho năm 2020 mà cho cả giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều điểm mới vượt trội và các dấu ấn nổi bật.
Ðiểm sáng tăng trưởng toàn cầu
Thành công lớn của Việt Nam trong một năm đầy biến động là hoàn thành “mục tiêu kép”: Vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong nước, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép: Phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực khi duy trì được tăng trưởng dương. Ðây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Ðó là: Cả nước đã tập trung phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH được tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt kết quả. Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, GDP năm 2020 tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Ðáng lưu ý, chất lượng tăng trưởng kinh tế có bước chuyển biến tích cực: Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so năm 2019). Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) tiếp tục được cải thiện. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 91,1% kế hoạch cả năm với tốc độ tăng vốn cao nhất trong 10 năm qua. Trong bối cảnh đầu tư, thương mại toàn cầu đứt gãy do tác động của đại dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm ít hơn so mức giảm chung toàn cầu; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 5,1%, thặng dư thương mại được duy trì với mức xuất siêu kỷ lục 19,1%, cao nhất 5 năm gần đây.
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ðiều này được ghi nhận thông qua việc đồng loạt điều chỉnh nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 của các tổ chức tài chính quốc tế uy tín. Thí dụ: Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Ðiểm lại công bố cuối tháng 12-2020 đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên gần 2,8%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng lên 2,4% thay vì mức 1,6% đưa ra hồi quý III; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng từ 1,8% lên 2,3%... Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế Việt Nam hiện đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp nước ta trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 nhấn mạnh, một trong những điểm nổi bật của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay là đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo. Tăng trưởng kinh tế đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào; bên cạnh khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa 12. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế, khi cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, và nhất là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng.
Phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng
Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 nêu rõ: Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt. Trong bối cảnh đó, cần tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Tăng cường chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số…
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trên nền tảng vững chắc là ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được mức tăng trưởng dương, bất chấp đại dịch Covid-19 gây thiệt hại chưa từng có trên toàn cầu. Tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP 6,5%, tăng thêm 0,5 điểm phần trăm so chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dư địa cho tăng trưởng năm 2021 còn nhiều, nếu có các giải pháp “trúng và đúng”, kinh tế Việt Nam có thể còn đạt mức tăng trưởng khả quan hơn. Nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của năm 2021 là đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế hơn nữa với trọng tâm chính sách hướng đến mục tiêu khuyến khích phát triển DN mới, ngành nghề kinh doanh mới bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ để cứu các DN gặp khó khăn khỏi tình trạng phá sản trước tác động của dịch Covid-19. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, cải thiện môi trường kinh doanh là một điểm sáng của nhiệm kỳ 2016-2020 với việc kế thừa Nghị quyết số 19 trước đây nhưng được mở rộng phạm vi hơn nhiều và chú trọng tháo bỏ các rào cản với quyền tự do kinh doanh trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh năm 2020 đã chùng xuống vì không còn tính cấp bách khi Chính phủ tập trung kiểm soát dịch bệnh. Năm 2021, nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh cần đẩy mạnh, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phục hồi và phát triển, thúc đẩy kinh tế đi lên.
PGS, TS Trần Ðình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% năm qua có thể được coi là phi thường. Vì trong khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm thì nền kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao, lẽ ra chịu tác động lớn hơn từ cú sốc bên ngoài khi chuỗi cung ứng trên thế giới đứt gãy nhưng chúng ta đã “vượt bão” thành công. Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng dương chính là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Nhân cuộc khủng hoảng này, Việt Nam cần nắm cơ hội để tiến lên một bước phát triển cao hơn, nhờ vào đổi mới mô hình tăng trưởng, các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số đồng bộ trong cả khu vực doanh nghiệp và quản lý nhà nước…