Oằn mình xử lý rác đào, quất sau Tết
Cứ sau Tết, tình trạng người dân vứt đào, quất, trong đó có rất nhiều cành đào to, cây quất lớn ra đường lại tái diễn. Thực trạng này lặp đi lặp lại hằng năm khiến đội ngũ làm nhiệm vụ thu gom rác oằn mình xử lý. Vì một xã hội văn minh, mỗi chúng ta cần thay đổi hành vi để hạn chế dần những hành vi chưa đẹp...
Đâu đâu cũng thấy “rác Tết”
![Điểm tập kết rác tạm thời trên phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông) ngồn ngộn rác.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_8_51436068/2fb831ee0aa0e3febab1.jpg)
Điểm tập kết rác tạm thời trên phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông) ngồn ngộn rác.
Trong những ngày này, quan sát ở tất cả điểm tập kết rác trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tuyến đường, tuyến phố, tại nơi có thùng rác và cả những bãi rác tự phát, đâu đâu cũng thấy “rác Tết” là những cành đào, lê, mận vứt chỏng chơ... “Mẫu số chung” đều là những cành đào nguyên cành bị quăng bỏ vô tội vạ...
Ngày 5-2, tại điểm tập kết rác tạm thời khu vực đầu phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao (quận Hà Đông), công nhân Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông (không nêu tên) cho biết, thời điểm này, chủ yếu các hộ dân vứt cành đào, còn cây quất sẽ bị thải bỏ muộn hơn. Bên cạnh một số ít người dân có ý thức chặt nhỏ cành đào và bó gọn để công nhân dễ thu gom, phần lớn người dân vứt nguyên cành ra đường. Tuy cành đào không nặng, nhưng lại cồng kềnh, tốn diện tích. Để vận chuyển được lên bãi rác, hoặc đơn vị phải chuyên chở bằng xe có tải trọng lớn, hoặc công nhân phải mất công chặt nhỏ cành đào...
Trong khi đó, “tàn tích” chợ hoa xuân tại khu vực vỉa hè đường Tố Hữu, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), đoạn gần ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình đến ngày 4-2 vẫn còn nhiều chậu cây vỡ và đất trồng cây bị đổ ra vỉa hè nhưng chưa được thu dọn. “Ăn theo” chợ hoa xuân này, một số đoạn vỉa hè trên đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) cũng vẫn còn lỏng chỏng cành đào chết khô còn lại từ Tết chưa được thu dọn...
Tương tự, tại số 22 đường Lê Duẩn (quận Đống Đa), đầu giờ chiều 7-2 có nhiều cành đào lớn do người dân vứt ra. Anh Đàm Khắc Phương, công nhân vệ sinh Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), Chi nhánh Đống Đa cho biết, từ ngày 4-2 đến nay, trên tuyến đường Lê Duẩn thường xuyên ghi nhận tình trạng nhiều cành đào to bị người dân vứt ra các điểm tập kết rác tự phát, thậm chí là vứt ngay xuống lòng đường. Để tránh cản trở giao thông, ngoài thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thông thường, công nhân phải kéo các cành đào về điểm trung chuyển tạm thời tại số 22 đường Lê Duẩn, sau đó chặt nhỏ để xe ô tô vận chuyển đến bãi rác thải cồng kềnh xử lý theo quy trình. Nếu mỗi người dân có ý thức chặt cành đào thành đoạn ngắn, bó lại, rồi mới vứt ra bãi rác thì công nhân đỡ vất vả hơn nhiều.
Cũng theo anh Đàm Khắc Phương, quận Đống Đa đã dành một bãi đất ở số 81 phố Hoàng Cầu chuyên thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh. Tuy nhiên, người dân hầu như không mang đến đó mà vẫn vô tư vứt ra các bãi rác tự phát, gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển.
Chế tài nào để thay đổi hành vi?
Rõ ràng, vấn đề “rác Tết” hoàn toàn không mới và thường được khuyến cáo mỗi dịp sau Tết, nhưng ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa thay đổi. Theo bà Ngô Thanh Loan, đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), các đơn vị thuộc URENCO đang thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải ở 16 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Dịp trước và sau Tết, lượng rác thải tăng nhiều so với ngày thường, trong đó có nhiều cành đào, cây quất to bị người dân thải bỏ. Vì số rác này không thể cuốn ép như rác thải sinh hoạt thông thường nên công ty phải gom về điểm tập kết để cắt nhỏ nhằm giảm thể tích, sau đó mới vận chuyển đi xử lý. Việc này đã và đang phát sinh thêm nhiều nhân công, chi phí do đơn vị sử dụng phương tiện thu gom rác thải thông thường để vận chuyển rác thải cồng kềnh (chủ yếu là cành đào to) nên không phù hợp, gây hư hỏng phương tiện…
“Đề nghị chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc xử lý rác thải cồng kềnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để hạn chế tình trạng vứt cành đào, cây quất cùng với rác thải sinh hoạt thông thường”, bà Ngô Thanh Loan nhấn mạnh.
Đại diện Hợp tác xã Thành Công - đơn vị đang thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng người dân vứt cành đào (nguyên cành), cây quất ra các đường, phố, bãi tập kết rác một cách vô tội vạ trên địa bàn phụ trách. Đáng nói là, mặc dù thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý rác thải cồng kềnh (trong đó có cành đào) theo đúng quy định; một số quận đã lắp camera giám sát vệ sinh môi trường ở nhiều vị trí…, song hiếm người dân thực hiện theo hướng dẫn.
Trong khi đó, để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (nếu có), cũng như công tác tuyên truyền trong việc xử lý rác tại khu vực chợ hoa xuân ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), dù đã liên hệ nội dung cần trao đổi, nhưng phóng viên Báo Hànôịmới không nhận được hồi âm từ đại diện UBND phường Vạn Phúc.
Thực tế, chế tài cho việc vứt, đổ rác sinh hoạt, rác cồng kềnh không đúng nơi quy định đã có đầy đủ, nhưng lực lượng chức năng chưa thực thi hiệu quả. Đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường giải pháp để người dân nâng cao ý thức, tích cực thay đổi hành vi, sớm chấm dứt tình trạng vứt “rác Tết” vô ý thức tái diễn hằng năm như hiện nay.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/oan-minh-xu-ly-rac-dao-quat-sau-tet-692766.html