OCOP góp sức xây dựng nông thôn mới Bảo Thắng
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang từng bước tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Chương trình đã, đang và sẽ giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Xác định đạt sao OCOP là “tấm vé thông hành” để các sản phẩm nông sản tiếp cận thị trường, thời gian qua, huyện Bảo Thắng khuyến khích các HTX, tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP. Qua đó xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Nâng giá trị hàng hóa từ OCOP
Khi tham gia chương trình OCOP, các HTX trên địa bàn xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất và hình thành các chuỗi liên kết. Đồng thời, HTX nhận được sự hỗ trợ, tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Do vậy, các sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi hơn, với mức tăng khoảng 25 – 30% so với trước đó.
HTX Nông sản Dược liệu Mạnh Hương, xã Gia Phú là một ví dụ. Với 4 sản phẩm OCOP, hiện HTX không chỉ đạt mức tăng doanh thu hàng năm đáng kể, mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 10 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông sản Dược liệu Mạnh Hương cho biết: "Người tiêu dùng khi nhìn thấy sản phẩm OCOP sẽ rất tin tưởng, nên tiêu thụ sản phẩm của HTX tốt hơn. Sản phẩm của HTX chúng tôi đã có mặt trên thị trường cả nước. Nơi xa nhất là đất mũi Cà Mau, chúng tôi cũng đã có quầy hàng bày tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau".
Bà Đỗ Thị Chung, thôn Phú Xuân, xã Gia Phú cho biết: "Từ khi có HTX Mạnh Hương, tôi quay về đây làm, vì ở đây công việc thuận lợi hơn. Thời gian chúng tôi làm 8 tiếng, được trả công 220.000 đồng/ngày, một tháng được khoảng 7 triệu/. Trời nắng hay mưa đều có việc ổn định".
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, cho đến nay, HTX Mạnh Hương đã có 8 sản phẩm được UBND tỉnh Lào Cai chứng nhận, gồm 5 sản phẩm OCOP 3 sao là: Trà bí đao Mạnh Hương, Tinh bột nghệ viên mật ong Mạnh Hương, Tinh bột nghệ đen nguyên chất Mạnh Hương, Tinh bột nghệ đỏ nguyên chất Mạnh Hương, Tinh bột sắn dây Mạnh Hương; và 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Bột tinh nghệ đỏ nếp Mạnh Hương, Bột sắn dây Mạnh Hương, Tinh bột nghệ đen nguyên chất Mạnh Hương.
Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 30 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, dự kiến sắp tới sẽ có thêm 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Phần nhiều những sản phẩm này đều do các HTX, tổ hợp tác là chủ thể.
Với mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ có trên 40 sản phẩm đạt sao OCOP, huyện khuyến khích gần 60 HTX trên địa bàn tham gia mạnh mẽ hơn vào chương trình OCOP. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: "Huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đầu tư phát triển các cái sản phẩm để đảm bảo xây dựng được các sản phẩm thương hiệu đạt từ 3 sao trở lên. Đối với các sản phẩm đã đạt 3 sao tiếp tục khuyến khích nâng hạng để chất lượng tốt hơn, phát triển mạnh hơn trong thời gian tới".
"Xã OCOP" của tỉnh
Từ sự phát triển các HTX và mô hình liên kết mà việc phát triển các sản phẩm OCOP tại Bảo Thắng có nhiều thuận lợi. Chủ lực trong các sản phẩm OCOP là na, bưởi, quế, rau an toàn, gà thương phẩm, mật ong, sản phẩm đồ uống. Đây chính là đóng góp lớn của các HTX, tổ hợp tác trong Chương trình xây dựng NTM tại Bảo Thắng.
Tại Gia Phú - xã có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhất của tỉnh Lào Cai, Giám đốc HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú Vũ Thị Thắm hào hứng nói: "Những tấm giấy thông hành OCOP vừa như lực đẩy, vừa như “gương soi” mỗi ngày để HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm chung sức, đồng lòng duy nhất một mục tiêu “3 hơn”, đó là sạch hơn, ngon hơn và giá cả phù hợp hơn".
Là đơn vị dẫn đầu về số lượng sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP của tỉnh Lào Cai, HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú có 5 sản phẩm OCOP 3 sao: Thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, thịt ba chỉ lợn hun khói, lạp sườn hun khói và xúc xích lợn.
Ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết, tháng 7/2020, xã Gia Phú đã đón nhận đạt chuẩn NTM. Để phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, xã Gia Phú đã và đang quan tâm đến việc phát triển và duy trì tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Hiện, trên địa bàn xã có 8 HTX hoạt động hiệu quả, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị ổn định, như: HTX chế biến thực phẩm sạch, HTX Nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Dược liệu Mạnh Hương, HTX Nông nghiệp Hữu Cơ, HTX Chăn nuôi Đại Lợi; có 9 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 2 sản phẩm OCOP 4 sao, có 1 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao.
Nỗ lực xây dựng NTM nâng cao
Ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng chia sẻ, trong hơn 10 năm phấn đấu xây dựng NTM, đến nay, huyện Bảo Thắng đã có 11/11 xã hoàn thành NTM. Trong đó, 2 xã Sơn Hà và Xuân Quang đã được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Toàn huyện có 79/145 thôn kiểu mẫu, 12 thôn NTM. Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, là địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP của Lào Cai. Năm 2023, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người dân đạt 72 triệu đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng; có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP.
Những năm qua, Bảo Thắng đã nỗ lực triển khai, đưa chương trình OCOP trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương. Do có thế mạnh về đa dạng cây trồng, vật nuôi, người dân có trình độ sản xuất cao, tương đối đồng đều nên chương trình OCOP tại Bảo Thắng sớm gặt hái được thành quả.
Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện đã khẳng định vị thế trên thị trường và được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn trong tỉnh và cả nước cũng như thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP đều là sản phẩm có sự tham gia liên kết sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp chương trình này có tác động tích cực tới cộng đồng.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, huyện cũng hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt sao duy trì, nâng cao sản phẩm, phấn đấu tăng sao trong thời gian tới.
“Huyện Bảo Thắng xác định Chương trình OCOP đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của nông dân, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các HTX, chủ hộ sản xuất. Huyện cũng hỗ trợ các chủ thể đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu và đẩy mạnh vận động người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ...”, ông Ngô Minh Quế nói.
Thu Hiền