OCOP mở đường cho nông sản vào chuỗi giá trị lớn
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến nay tỉnh có 1.083 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (625 chủ thể tham gia); trong đó, có 13 sản phẩm 5 sao.

Sơ chế sản phẩm khô các loại tại Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy (xã Thạnh Phong, Vĩnh Long). Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Tại tỉnh Vĩnh Long, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo “cú hích” thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang chuỗi giá trị bài bản, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và cải tiến bao bì... Từ đó, nhiều đặc sản địa phương vươn tầm thành sản phẩm OCOP 4–5 sao, mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú đang từng bước tập trung phát triển sản phẩm OCOP (sầu riêng) ngày càng chất lượng, nâng tầm thương hiệu đặc sản địa phương. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú, tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Thinh cho biết, hợp tác xã hiện có 301 thành viên với 250 ha sản xuất sầu riêng. Đến nay, hợp tác xã đã xây dựng và được công nhận 6 mã vùng trồng sầu riêng áp dụng sản xuất VietGAP trên diện tích 200 ha; 3 mã vùng trồng đang trong quá trình xây dựng.
Theo bà Nguyễn Thị Thinh, thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất, các thành viên hợp tác xã được hướng dẫn ghi chép đầy đủ các hoạt động canh tác, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, nhằm đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đã tiếp cận được các dự án hỗ trợ giúp nhà nông ứng dụng chuyển đổi số vào canh tác, như: hệ thống tưới tự động, ứng dụng định vị và giám sát canh tác qua điện thoại. Hiện tại, sản phẩm sầu riêng của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, bước đầu khẳng định chất lượng và xây dựng niềm tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hướng tới, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP 5 sao để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.

Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy (xã Thạnh Phong, Vĩnh Long) hiện có 3 sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao và một sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Xuất thân từ vùng biển Thạnh Phong, vợ chồng ông Võ Ngọc Bé (sinh năm 1972) và bà Lương Thị Chung (sinh năm 1974) sinh sống bằng nghề nuôi tôm biển rồi dần dà chuyển sang làm nghề sơ chế đặc sản biển từ nguồn nguyên liệu có sẵn. Từ cơ sở sản xuất thủ công nhỏ lẻ, đến năm 2018, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Phát Huy ra đời, chuyên nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng đặc sản địa phương vùng biển như cá, tôm một nắng, dựa trên quy trình sản xuất khép kín với công nghệ chế biến và kiểm soát vùng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo không kháng sinh và hóa chất. Hiện công ty đang liên kết với thương lái, ngư dân và 150 hộ nuôi cá tại các xã lân cận để tạo vùng nguyên liệu ổn định.
Ông Võ Ngọc Bé cho hay, trung bình mỗi tháng công ty thu mua khoảng 15 tấn nguyên liệu, cho ra khoảng 7 tấn khô các loại cung ứng ra thị trường; trong đó, công ty có 3 sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: khô cá bông lau một nắng, khô cá đù đỏ một nắng, khô cá rô phi một nắng và cá bống cát một nắng. Với mục tiêu nâng cao hơn nữa giá trị và thị phần, công ty đang định hướng phát triển thương hiệu OCOP, đồng thời mở rộng thị trường phân phối và ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất, quản lý và tiếp thị sản phẩm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, ông Lâm Văn Tân cho biết, đến nay tỉnh có 1.083 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (của 625 chủ thể tham gia); trong đó, có 13 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đều được xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng, lên sàn thương mại điện tử... đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Sản phẩm Khô cá đù đỏ sơ chế tại Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy (xã Thạnh Phong, Vĩnh Long). Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Theo ông Lâm Văn Tân, do yêu cầu thị trường ngày càng cao, sản phẩm OCOP phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp... Chính vì vậy, chương trình OCOP đã góp phần nâng cao nhận thức và tư duy của các chủ thể, đặc biệt trong việc khai thác lợi thế bản địa, kể câu chuyện sản phẩm, làm tăng giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa.
Để phát triển bền vững chương trình OCOP, ông Lâm Văn Tân cho biết, thời gian tới Vĩnh Long sẽ tiếp tục triển khai các chính sách như hỗ trợ xây dựng hồ sơ sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ công nghệ, hệ thống quản lý, đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá chất lượng sản phẩm: đối với sản phẩm chưa đạt thì cố gắng nâng chuẩn OCOP; sản phẩm đã đạt sẽ tiếp tục nâng hạng (3 sao – 4 sao – 5 sao). Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tăng cường đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào chương trình OCOP, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ocop-mo-duong-cho-nong-san-vao-chuoi-gia-tri-lon/381544.html