OCOP - thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch
Sau hơn một năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh ta đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Ảnh: PV
Tính đến hết năm 2019, tỉnh ta đã xây dựng thành công 28 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 18 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh; trong đó, có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 3 sao, như: Cá tép dầu khô Quỳnh Nhai; gạo nếp tan Mường Và (Sốp Cộp); xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn Yên Châu; chè Shan đặc biệt Mộc Châu; long nhãn sấy khô Sông Mã...
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chương trình OCOP đã giúp các địa phương lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, có lợi thế về chi phí sản xuất và nhu cầu thị trường lớn; xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải như trước đây. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều tiêu thụ rất tốt, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa. Thông qua Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.
thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Để giúp các địa phương xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tạo sản phẩm chủ lực, phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 583 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm, đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển 147 chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn, gồm: 21 chuỗi rau, 93 chuỗi quả, 1 chuỗi cà phê, 5 chuỗi chè, 27 chuỗi sản phẩm chăn nuôi và thủy sản an toàn. Hiện, có 18 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu; trong đó, 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La; 13 nhãn hiệu chứng nhận và 2 nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Tà Xùa và mật ong Sơn La. Để giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, các sở, ngành của tỉnh cũng thường xuyên lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản, đầu tư, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có gần 200 loại sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Năm 2020, tỉnh ta phấn đấu phát triển và chuẩn hóa từ 30-40 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và 1 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận 5 sao; đồng thời, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu OCOP tỉnh Sơn La. Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ được phân công của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh. Tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng 3 điểm trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại các điểm trung tâm và kết hợp khu du lịch. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh, quy trình quản lý chất lượng...
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ocop--thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-sach-34568