OCOP Việt Nam trở thành điểm tựa kết nối hợp tác liên khu vực

Ngày 15/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Đây là diễn đàn quy mô cấp Bộ trưởng, có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cùng 14 Bộ trưởng châu Phi.

Sự kiện đánh dấu nỗ lực định vị Việt Nam như một "điểm đến tri thức" về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trong khung Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng đến khai thác lợi thế địa phương từ tài nguyên, đặc sản, tri thức bản địa đến giá trị văn hóa truyền thống.

Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP có sự tham gia của 14 Bộ trưởng châu Phi

Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP có sự tham gia của 14 Bộ trưởng châu Phi

OCOP không chỉ là thương hiệu mà là mô hình tích hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng. Đây là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, gắn phát triển sản phẩm với nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.

Từ khi bắt đầu năm 2018, đến nay đã có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gắn với hơn 9.000 chủ thể, trong đó hơn 3.000 hợp tác xã tham gia.

Tại Diễn đàn, nhiều cuộc đối thoại cấp cao diễn ra xoay quanh mô hình "Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên", hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường. Các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm đã cho thấy OCOP giúp trao quyền cho cộng đồng, gắn sản xuất với giá trị văn hóa và tăng cường tiếp cận thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Sự kiện là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm bản địa từ châu Phi, khu vực trỗi dậy với nhiều nông sản đặc hữu. Từ đó, mở ra hướng hợp tác chuỗi giá trị liên khu vực, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chuyển giao công nghệ. Các phiên đối thoại mở giữ vai trò tiền đề hình thành mạng lưới kết nối đa chiều giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp OCOP Việt Nam với châu Phi và FAO.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, OCOP được xem là công cụ quan trọng trong tái cấu nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 đạt 3,84%, xuất khẩu tăng 15%. Việt Nam hướng đến tăng trưởng nông nghiệp trên 4%/năm, đóng góp vào tăng trưởng GDP trên 10%/năm.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất một số định hướng để thúc đẩy hợp tác Nam - Nam gắn với phát triển OCOP: Thiết lập mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin về chính sách, công nghệ, thị trường; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, đặc biệt chú trọng nhóm yếu thế như phụ nữ, người già, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…

Bà Beth Bechdol - Phó tổng Giám đốc FAO và các đại biểu tham quan gian hàng lụa tơ tằm tại sự kiện

Bà Beth Bechdol - Phó tổng Giám đốc FAO và các đại biểu tham quan gian hàng lụa tơ tằm tại sự kiện

Thứ trưởng cũng đề xuất thí điểm mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng để huy động tài chính, kỹ thuật và tri thức bản địa nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, hướng tới hệ thống lương thực-thực phẩm xanh và công bằng. Ông kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, đối tác phát triển để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển triển khai hiệu quả mô hình OCOP.

Phó tổng giám đốc FAO Beth Bechdol đánh giá OCOP Việt Nam giúp đa dạng hóa hệ thống lương thực toàn cầu. Trợ lý Tổng giám đốc FAO châu Á - Thái Bình Dương Alue Dohong cho biết mô hình OCOP của Việt Nam chính là cảm hứng để FAO khởi xướng sáng kiến toàn cầu OCOP. FAO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và kết nối các bên.

Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc trong thông điệp gửi Diễn đàn nhấn mạnh, hợp tác ba bên là chiến lược cho châu Phi chống đói nghèo và suy dinh dưỡng. FAO cũng tăng cường hợp tác với các trung tâm khoa học ở châu Á để phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc biệt, truy xuất nguồn gốc và kết nối quốc tế.

Ngày 16/7, các Bộ trưởng châu Phi sẽ đi thực địa tại Ninh Bình, tìm hiểu mô hình OCOP Việt Nam, tăng cường hợp tác Nam - Nam vì nông nghiệp bền vững và vì hòa bình.

Kim Ngân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ocop-viet-nam-tro-thanh-diem-tua-ket-noi-hop-tac-lien-khu-vuc-319953.html