Giá vàng hôm nay 16/7/2025: Giá vàng 'quay xe' giảm nửa triệu đồng, nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý trú ẩn, yếu tố đủ mạnh để tạo sóng lớn có xuất hiện?
Giá vàng hôm nay 16/7/2025: Giá vàng trong nước tiếp tục neo trên mốc 120 triệu đồng/lượng, phản ánh tâm lý nắm giữ vẫn lấn át xu hướng chốt lời ngắn hạn. Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và bất ổn địa chính trị chưa hạ nhiệt, thị trường quốc tế chưa rõ xu hướng, dòng tiền 'tránh bão' vẫn tìm đến vàng dù triển vọng ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro.
TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 16/7 và TỶ GIÁ HÔM NAY 16/7

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 16/7/2025
Giá vàng trong nước giảm gần nửa triệu đồng/lượng.
Ghi nhận vào cuối ngày 15/7, giá vàng miếng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI, Bảo tín Minh Châu... đồng loạt niêm yết giá ở mức 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng có mức giảm tương ứng quanh 400 nghìn đồng tùy từng đơn vị kinh doanh.
Cụ thể, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng và vàng nhẫn ở mức 115,8- 118,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 114,6 - 117,1 triệu đồng/lượng, cũng giảm 400 nghìn đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn niêm yết tại Tập đoàn DOJI ở 115,5 - 118,6 triệu đồng/lượng, giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tâm lý tích trữ vàng trong nước vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có dấu hiệu biến động nhẹ trở lại. Nhà đầu tư tiếp tục coi vàng như một “bức tường chắn sóng” trước các bất ổn khó đoán từ cả thị trường tài chính quốc tế lẫn căng thẳng địa chính trị thế giới đang âm ỉ.
Giá vàng thế giới tăng sau một số phiên giảm nhẹ.
Giá vàng thế giới tăng từ phiên giao dịch chiều 15/7 do căng thẳng thương mại tiếp tục "ủng hộ" nhu cầu bảo toàn tài sản. Các nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát dự kiến trong cùng ngày (theo giờ địa phương) và chỉ số giá của nhà sản xuất vào ngày 16/7, nhằm xác định lộ trình điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam vào lúc 19h25 ngày 15/7 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 3.351,4 USD/ounce, tăng 7,3 USD so với phiên giao dịch liền trước. Quy đổi giá vàng thế giới tương đương 106 - 107 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí), duy trì khoảng cách khoảng 13 - 15 triệu đồng so với giá vàng trong nước.
Theo các chuyên gia, yếu tố gây giảm giá vàng chủ yếu do nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng trước đó và chuyển hướng quan tâm sang dữ liệu CPI tháng 6 của Mỹ. Trong khi đó, tâm lý thị trường về cơ hội tích lũy vẫn rõ ràng khi vàng được xem là tài sản trú ẩn. Tuy nhiên, chưa có yếu tố mới đủ mạnh để tạo sóng lớn, nên thị trường vẫn duy trì trạng thái tích lũy hẹp.
Các thị trường bên ngoài quan trọng hôm nay chứng kiến chỉ số đồng USD tăng mạnh hơn. Giá dầu thô tương lai trên sàn Nymex đang thấp hơn và giao dịch quanh mức 67,31 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức khoảng 4,45%.

Giá vàng hôm nay 16/7/2025: Giá vàng 'quay xe' nhanh chóng, áp lực chốt lời thường trực, xuất hiện yếu tố đủ mạnh để tạo sóng lớn? (Nguồn: Kitco News)
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 15/7.
Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC: Vàng miếng SJC 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 114,6 - 117,1 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI: Vàng miếng SJC 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 115,5 - 118,6 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn PNJ: Vàng miếng SJC 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn tròn trơn PNJ 999.9 ở mức 115,2 - 118,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 119,1 - 121,1 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn tròn trơn 115,8 - 118,8 triệu đồng/lượng.
Thị trường chờ thông tin cụ thể hơn
Những ngày vừa qua, tâm lý ưa rủi ro trên thị trường chung bị kìm hãm, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục có lập trường cứng rắn về thuế quan thương mại đối với các đối tác quan trọng, kể cả các đồng minh truyền thống. Tuần trước, Tổng thống Trump áp thuế quan 50% lên Brazil và đồng nhập khẩu; thuế quan 35% lên Canada; và thuế quan 30% lên Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Ngày thứ Hai, ông Trump còn cảnh báo sẽ áp thuế quan 100% lên những nước mua dầu thô của Nga nếu trong vòng 50 ngày tới Nga không đi đến một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Tuy nhiên, tâm lý phòng ngừa rủi ro có phần hạn chế vì nhà đầu tư vẫn hy vọng Mỹ có thể đạt thêm thỏa thuận thương mại với các đối tác chính trước khi các mức thuế mới chính thức có hiệu lực. EU và Hàn Quốc cho biết vẫn đang tích cực đàm phán với Mỹ.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer của KCM Trade nhận định, vàng là tài sản được ưu tiên lựa chọn khi căng thẳng thuế quan leo thang và việc vàng tiến gần mức 3.350 USD/ounce thể hiện xu hướng này tiếp tục lặp lại. Chuyên gia Waterer cũng lưu ý, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên đã tạo ra những lực cản cho giá vàng. Do đó, chất xúc tác để vàng tiến xa hơn đến 3.400 USD/ounce, thì đồng USD hoặc lợi suất trái phiếu kho bạc cần giảm, nếu không có những sự kiện địa chính trị căng thẳng.
Trong khi đó, Chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities cho rằng, vàng còn giảm giá do áp lực chốt lời khi một số nhà đầu tư nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận khi giá vàng tăng. Tuy nhiên, ông Melek nhận định, nhu cầu mua trên thị trường vàng vẫn lớn hơn nhu cầu bán. Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ liên tục có những phát biểu rằng muốn thấy lãi suất thấp hơn là điều khá có lợi cho vàng.
Chiến lược gia Joe Cavatoni của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, việc giá vàng tiếp tục tích lũy ở vùng trên 3.300 USD/ounce phản ánh thị trường vẫn đang chờ những thông tin cụ thể hơn về thuế quan và thương mại. Ông cũng cho rằng việc Tổng thống Trump đánh thuế quan 50% đối với đồng nhập khẩu cho thấy vàng hoàn toàn có khả năng bị áp thuế quan như vậy.
“Về thuế quan mà nói, đối với những khoáng sản quan trọng hoặc khoáng sản chiến lược, hay bất kỳ kim loại nào quan trọng đối với tương lai của nước Mỹ về phương diện quốc phòng, năng lượng… tôi nghĩ bất kỳ phương án nào cũng được tính đến. Chính quyền Mỹ đã cho thấy rõ rằng sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về nguồn cung khoáng sản quan trọng là một vấn đề cần được giải quyết. Tôi nghĩ động thái áp thuế quan lên đồng nói lên nhiều điều”, ông Cavatoni nhận định.