OECD hoan nghênh Việt Nam tham gia công ước đa phương
Tại lễ ký Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI), được tổ chức tại trụ sở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ở Paris (Pháp), Phó Tổng Thư ký OECD Yoshiki Takeuchi (Y.Ta-kê-u-chi) đã hoan nghênh Việt Nam tham gia MLI, nâng tổng số thành viên lên 99 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Takeuchi nhấn mạnh, các nỗ lực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận sẽ không thể thành công nếu không có hành động tập thể và sự chung tay của các bên.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định, việc mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu và chuyển dịch lợi nhuận là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam. Đại sứ nhấn mạnh, lễ ký MLI diễn ra vào thời điểm Việt Nam nhận bàn giao vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025 tại Hội nghị Bộ trưởng SEARP diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc). Việt Nam tin tưởng, việc triển khai công cụ đa phương sẽ góp phần phát triển hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và OECD, cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026.
Công ước MLI còn được gọi là Công cụ đa phương, bao trùm hơn 1.800 hiệp định thuế song phương. Trong nhiều năm qua, OECD là đối tác quan trọng của Việt Nam về tư vấn, hỗ trợ chính sách, bao gồm cả về kinh tế vĩ mô lẫn các lĩnh vực cụ thể, như tài chính, thuế, phát triển xanh, số hóa... Sau khi gia nhập MLI, đến nay Việt Nam đã tham gia tổng cộng 7 công cụ pháp lý của OECD.