Ðôi điều về tục cúng cô hồn tháng Bảy
Tục cúng cô hồn thường trùng với lễ Vu lan, nên rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn và cho rằng, lễ Vu lan là tên gọi khác của ngày xá tội vong nhân - rằm tháng 7. Thực tế đây là 2 lễ khác nhau, xuất phát từ những điển tích riêng biệt.
Trong dân gian có câu:
"Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Theo tín ngưỡng dân gian, vào 15.7 âm lịch hằng năm, nhiều gia đình sắm lễ vật nhang đèn, bánh trái để cúng, gọi là cúng cô hồn. Tục cúng cô hồn thường trùng với lễ Vu lan, nên rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn và cho rằng, lễ Vu lan là tên gọi khác của ngày xá tội vong nhân - rằm tháng 7. Thực tế đây là 2 lễ khác nhau, xuất phát từ những điển tích riêng biệt.
Lễ Vu lan, còn được gọi là lễ “Vu lan bồn”, gắn với tích về Mục Kiều Liên, một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông; còn tục cúng cô hồn lại liên quan đến tích Tôn giả A Nan. Cả hai vị này đều là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong quan niệm của dân gian, mỗi con người có phần hồn và phần xác. Khi chết đi, xác tan rã nhưng hồn vẫn còn, phần hồn sẽ được đầu thai sang một kiếp khác. Nhưng có những linh hồn oan khuất, nặng nghiệp với dương gian, không được siêu thoát sẽ lang bạt ở khắp nơi, không nơi nương tựa, gọi là cô hồn.
Vậy cô hồn tạm hiểu là những linh hồn người chết lẻ loi, không ai cúng bái, là những hồn ma cô đơn vất vưởng chưa được siêu thoát. Cô hồn dã quỷ là những hồn ma, quỷ lang thang cô độc không có nơi trú ngụ và thường ở nay đây mai đó.
Ða phần người Việt quan niệm rằng, những người chết vì chiến tranh, bệnh dịch, tàn sát, chết oan, thiên tai... thì miếu lớn không nhận, miếu nhỏ không cho ở, nên những linh hồn ấy không được cung dưỡng, phải đọa đày trong địa ngục hay lang thang khắp nơi, có khi đói khát nên phá phách, quấy nhiễu làm hại người sống. Vì vậy, con người phải cúng để cô hồn không quấy phá, công việc làm ăn may mắn, thuận lợi.
Tục cúng cô hồn, nếu gạt bỏ yếu tố mê tín dị đoan, suy cho cùng cũng là một phong tục đẹp, nhân văn. Ðó là để tưởng nhớ đến những người bất hạnh, chết vì mọi lý do, trong đó có chết vì chiến tranh, vì xả thân bảo vệ đất nước xóm làng, là những người bị xiêu mồ lạc mả, vô danh.
Chúng ta không thể sống độc lập, tự cấp tự túc mọi thứ cho mình, mà phải sống trong tổng hòa của tất cả các mối quan hệ xã hội. Vạn loại chúng sinh luôn tương hỗ cho nhau, từ manh áo, chén cơm, viên thuốc đến tất cả các phương tiện sinh hoạt khác. Từ góc nhìn văn hóa dân gian sẽ thấy những đóng góp nhất định của tập tục này trong việc bình ổn tinh thần của con người trong cuộc sống.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/-oi-dieu-ve-tuc-cung-co-hon-thang-bay-a135933.html