Ðổi đời từ đất

Nằm xen lẫn giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn, Tân Hòa từng được biết đến là xã nghèo của huyện Đồng Phú, nơi có hơn 50% dân số là đồng bào Tày, Nùng di cư từ vùng núi phía Bắc vào lập nghiệp từ những thập niên 90. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ được quy hoạch các dự án khu công nghiệp, cùng với đó là sự xuất hiện của các tuyến giao thông mở đường cho sự phát triển, đã giúp đời sống người dân xã Tân Hòa như sang một trang mới. Trở lại Tân Hòa vào những ngày cuối năm, câu chuyện bàn trà của người dân nơi đây chỉ xoay quanh vấn đề giá đất hoặc qua năm xây gì, mua xe bao nhiêu tỷ...

“Xã nghèo” không còn hộ nghèo

Trở lại Tân Hòa vào những ngày cuối năm, những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo nắng bụi, mưa lầy ngày nào đã được thay thế bằng những tuyến đường tạo lực, rộng hàng chục mét do Nhà nước và nhân dân chung tay cùng làm. Đường lớn đã mở, đời sống người dân cứ thế được nâng lên. Từ một xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, với dân số khoảng 50% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, đến nay Tân Hòa đã về đích nông thôn mới. Hai năm nay, xã đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu tăng lên nhanh chóng.

Từ một xã nghèo, đến nay các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Tân Hòa cơ bản được bê tông, nhựa hóa

Từ một xã nghèo, đến nay các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Tân Hòa cơ bản được bê tông, nhựa hóa

Ông Hà Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Tân Hòa trước đây là xã nghèo, cuộc sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào vườn rẫy, các hoạt động dịch vụ gần như bằng không. Từ khi có quy hoạch khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư 6.300 ha, xã được tỉnh và huyện Đồng Phú quan tâm đầu tư một số tuyến đường tạo lực để kết nối vào khu công nghiệp. Người dân ai cũng phấn khởi ủng hộ chủ trương mở đường. Có đường, kinh tế của người dân ngày càng phát triển, giá trị vườn rẫy cũng không ngừng tăng lên. Nhờ đó, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, nhiều hộ đã xây được nhà lầu trị giá từ 5-7 tỷ đồng, mua được xe hơi đắt tiền.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con cố gắng giữ đất, đầu tư thêm vườn rẫy, chăm lo cho con em học hành tử tế, thanh niên đi học nghề để sau này khu công nghiệp mọc lên sẽ có sẵn nguồn lao động tại chỗ. Đồng thời, để hạn chế tình trạng khi có tiền, nhiều người sẽ ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến hư hỏng, nghiện ngập” - ông Tuấn nói.

“Đường lớn đã mở, giá đất tăng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, người dân Tân Hòa từng ngày, từng giờ mong ngóng các nhà máy, xí nghiệp sớm xuất hiện trên địa bàn để người dân phát triển dịch vụ, tạo nguồn thu ổn định. Bởi thực tế, những lô đất mặt bằng đẹp, những phần đất gần với quy hoạch khu công nghiệp bà con đang cố gắng giữ lại để sau này có khu công nghiệp sẽ kinh doanh, buôn bán, làm ông chủ, bà chủ ngay trên chính quê hương mình”.

Ông Hà Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa

Ấp Đồng Xê hiện có 200 hộ dân, hơn 800 người, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một ấp khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đến, cuộc sống người dân trong ấp đã có nhiều thay đổi. Đời sống nâng lên, người dân trong ấp tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nhờ đó diện mạo nông thôn của ấp cũng được đổi mới khang trang.

Nhớ lại thời gian trước đây, anh Mai Xuân Hà, Phó bí thư Chi bộ ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa cho biết: Trước đây giao thông của ấp chủ yếu là đường đất đỏ. Từ ngày có quy hoạch khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng nhờ đó cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Hiện các tuyến giao thông của ấp cơ bản đã được bê tông, nhựa hóa.

“Đời sống được nâng lên, người dân ấp Đồng Xê luôn đoàn kết, ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng. Chi bộ nỗ lực xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết, động viên người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa, lao động, sản xuất để xây dựng quê hương Đồng Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh” - anh Hà phấn khởi cho biết thêm.

Ðua nhau mua ôtô, xây nhà lầu

Sinh sống tại xã Tân Hòa đã chục năm nay, chưa bao giờ anh Phạm Văn Hưng ở ấp Đồng Chắc lại nghĩ gia đình mình có thể xây được căn nhà bề thế. Anh Hưng cho biết, trước đây gia đình anh chuyên thu mua nông sản, cuộc sống cũng chỉ ở mức ổn định. Năm 2019, huyện có chủ trương mở tuyến đường số 3 rộng 42m, kết nối từ ĐT741 vào khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư Đồng Phú. Gia đình anh đã tự nguyện hiến 5 sào đất rẫy để phục vụ việc mở đường. Năm 2020, nhà đầu tư giải phóng, san lấp mặt bằng, rẫy gia đình anh bỗng chốc trở thành khu đất vàng. Với hàng trăm mét đất mặt tiền, tài sản gia đình có cả trăm tỷ đồng.

“Vừa qua, gia đình tôi sang nhượng một phần đất mặt tiền đường số 3 với giá gần 300 triệu đồng/mét ngang để lấy tiền xây căn nhà trị giá trên 10 tỷ đồng. Số tiền còn lại tôi đầu tư mua gần 20 ha đất rẫy. Trên tuyến số 3, gia đình tôi đang có khoảng 300m đất mặt tiền, với giá bán như hiện nay, tài sản gia đình tôi có khoảng 75 tỷ đồng” - anh Hưng cho biết thêm.

Đến Tân Hòa vào dịp cuối năm, những câu chuyện về đất cứ lan truyền hết làng trên, xóm dưới, cùng với đó là sự xuất hiện của những chiếc xe đắt tiền, những ngôi nhà tiền tỷ. Đường giao thông được bê tông xi măng, nhựa hóa, liên kết mở rộng nên việc đi lại của người dân nơi đây rất thuận lợi.

“Đời sống người dân đã được cải thiện, chúng tôi đang kỳ vọng, tương lai không xa cả khu vực rộng lớn này sẽ được thay đổi từ màu xanh của bạt ngàn cao su qua màu của các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp. Chỉ khi các công ty, xí nghiệp mọc lên mới đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững của địa phương” - ông Hà Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú tâm đắc.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/129911/doi-doi-tu-dat