Ổi lê Đài Loan - lựa chọn của nhiều HTX, nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Hải Phòng
Với thời gian thu hoạch ngắn chỉ khoảng 12 tháng, cây ổi lê Đài Loan không chỉ chống chịu sâu bệnh tốt mà còn mang lại thu nhập trung bình lên đến 20 triệu đồng/sào/năm—cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các giống cây khác.
Ổi lê Đài Loan, giống ổi dễ trồng, cho năng suất cao và thời gian thu hoạch ngắn, đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều hợp tác xã và địa phương tại TP Hải Phòng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, giống ổi này ra trái quanh năm, nhưng thời gian cho chất lượng quả ngon nhất là từ cuối tháng 5 đến tháng 10 âm lịch (ngon nhất là vào tháng 8, 9, 10), giúp người trồng tối đa hóa lợi nhuận.
Thông thường, 1 sào (360m2) sẽ trồng được khoảng 30 gốc ổi (chủ yếu là ổi chiết cành từ cây ổi bố mẹ). Trung bình một năm, 1 cây ổi sẽ cho thu hoạch khoảng 25 -35 kg quả. 1kg quả được thu mua tại vườn với giá từ 20.000 - 25.000 đồng.
Đầu tư ít, thu nhập cao
Xã An Hòa là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả và rau màu lớn nhất huyện An Dương. Việc chuyển đổi sang các loại cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và thành viên hợp tác xã.
Ông Ngô Văn Thống, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết diện tích trồng rau màu của địa phương hiện đạt 112ha, trong đó 40ha được dành cho các loại cây như bầu, bí, mướp, và hơn 65ha dành cho giống ổi lê Đài Loan. Đây là giống cây có kỹ thuật trồng không quá phức tạp. Ngoài việc được chuyển giao kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn, người dân địa phương còn tự học hỏi lẫn nhau và tích lũy kinh nghiệm qua các mùa thu hoạch.
Vào khoảng tháng 2 đến tháng 3, do mưa dầm mùa xuân, quả ổi ở miền Bắc thường bị sâu bệnh và nhạt vị, nên các hộ trồng thường cắt bỏ quả non, tập trung tỉa cành và chăm sóc gốc cây. Đến tháng 4, cây bắt đầu trổ hoa và kết trái. Khi quả ổi to bằng ngón tay, người dân sẽ bọc quả bằng túi nilon, và từ tháng 5, tháng 6 trở đi, cây ổi sẽ cho thu hoạch liên tục đến cuối năm. Với chất lượng quả giòn, ngọt, ổi lê Đài Loan được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Ông Ngô Văn Đạo – Giám đốc HTX Nông nghiệp Hà Nhuận, đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh dịch vụ các sản phẩm từ cây ổi tại địa phương, chia sẻ: "Mấy năm trước, xã An Hòa đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ giống cây ổi lê Đài Loan và phân bón lân đạm cho 10 hộ dân trồng thí điểm trên diện tích 5ha.
Sau một thời gian trồng và phát triển, giống cây này đã chứng minh được sự phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Vì thế, người dân đã học hỏi lẫn nhau, từng bước mở rộng diện tích trồng ổi trên các khu đất trồng lúa kém hiệu quả và đất bỏ hoang không canh tác.
Địa phương khuyến khích bà con nông dân và các thành viên HTX tích cực chuyển đổi các diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và rau màu có giá trị, trong đó có ổi lê."
Đất trồng ổi lê Đài Loan không đòi hỏi quá khắt khe, chỉ cần tơi xốp, thoáng khí và có khả năng giữ nước tốt. Nếu đất trũng thấp, cần lên luống cao khoảng 50cm để đảm bảo thoát nước. Những vùng đất phù sa thường cho ra những trái ổi chất lượng cao hơn, năng suất tốt hơn, và vị ngon hơn.
Trong giai đoạn cây đang phát triển và khi quả sắp chín, cần chú ý tưới nước đủ và đúng cách. Để hạn chế cỏ dại, có thể phủ rơm rạ hoặc cây phân xanh quanh gốc, và vun xới đất 2-3 lần mỗi năm để đất luôn thoáng khí.
Để quả ổi to đẹp, không bị cháy nắng và chống được ruồi vàng đục quả, khi quả to bằng ngón tay, người trồng nên dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nilon bên ngoài để bao trái lại. Sau khoảng 2 tháng kể từ khi bọc, quả ổi có thể được thu hoạch. Với khả năng sinh trưởng tốt và ra trái quanh năm, giống ổi lê Đài Loan đã trở thành một cây trồng mang lại thu nhập ổn định, thậm chí giúp nhiều thành viên HTX và nông dân tích lũy được của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Tương tự như ở An Hòa, trong giai đoạn 2007 – 2010, tại thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo), tình trạng người dân bỏ ruộng không canh tác bắt đầu trở nên phổ biến. Đứng trước thách thức này, khi diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều và việc trồng lúa không còn hiệu quả, gia đình ông Phạm Văn Mạnh đã tìm hiểu và học hỏi các mô hình trồng trọt hiệu quả từ các tỉnh thành khác.
Sau một thời gian nghiên cứu, ông Mạnh quyết định mua 70 gốc ổi lê Đài Loan chiết cành để trồng thử trên diện tích 2 sào. Sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn ổi của gia đình ông bắt đầu cho quả. Chất lượng ổi giòn, ngọt, vượt trội so với các giống ổi khác, nên rất dễ tiêu thụ.
Đến nay, gia đình ông Mạnh có khoảng 10 mẫu trồng ổi và một số loại cây ăn quả đang trồng thử nghiệm khác. Nhiều bà con tại địa phương đã học hỏi mô hình trồng ổi từ gia đình ông, sau đó nhân rộng ra, đến nay, toàn thị trấn Vĩnh Bảo có hơn 30 ha trồng ổi.
Anh Phạm Đức Hùng – Giám đốc HTX ổi Lam Sơn cho biết: "Để xây dựng thương hiệu cho ổi lê Lam Sơn, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản quê hương, tháng 7/2019, HTX ổi Lam Sơn ra đời. Sản phẩm ổi tại đây đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có nhật ký ghi chép thời gian sinh trưởng. Thành viên HTX bảo ban nhau chăm sóc vườn ổi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao giá trị sản phẩm".
Tại xã An Hòa, huyện An Dương, chính quyền địa phương và hợp tác xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng mã vùng trồng cho diện tích trồng ổi.
Hiện nay, hợp tác xã và người trồng ổi đang mong muốn được hỗ trợ tem nhãn và tiến tới chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, và tăng thu nhập cho người trồng.
Chính quyền địa phương cũng đang thúc đẩy việc vận động bà con trồng ổi đăng ký trở thành thành viên của hợp tác xã, góp đất để phát triển vùng trồng chuyên canh.
Theo các chuyên gia, mô hình trồng ổi lê Đài Loan mang lại hiệu quả kinh tế cao và rõ rệt, vì vậy nhiều địa phương tại Hải Phòng vẫn đang tiếp tục mở rộng vùng trồng.
Tuy nhiên, để đảm bảo cây trồng này phát triển bền vững và không rơi vào tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", ngành nông nghiệp Hải Phòng cần có quy hoạch vùng trồng phù hợp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng thương hiệu.
Đồng thời, cần tạo điều kiện cho người dân và hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cho sản xuất. Các cơ quan chuyên môn cũng nên tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyên sâu và chuyển giao kỹ thuật canh tác mới theo hướng hữu cơ, giúp phát triển nông nghiệp bền vững cho bà con nông dân.